Thứ Ba, 21/1/2025
Hướng đến nền y tế thông minh
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại kios thông minh ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Tại Hội thảo Y tế thông minh trong thời đại 4.0 do Bộ Y tế tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), cho biết ngành y tế đang xây dựng đề án phát triển y tế thông minh với 3 trụ cột chính: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. 

Cụ thể, đối với phòng bệnh thông minh, sẽ hướng tới xây dựng phần mềm cảnh báo dịch để giúp người dân biết được các dịch bệnh kịp thời, bản đồ dịch tễ giúp chúng ta biết được nơi nào đang có dịch để tránh. Bên cạnh đó, có những kiến thức phổ thông về y tế để phổ cập cho mọi người, xây dựng nền tảng về tri thức y tế để người dân tra cứu. “Mặc dù hiện nay có thể tra thông tin trên mạng nhưng đó là những kiến thức không chính thống. Chúng tôi đang xây dựng những ứng dụng về kiến thức y tế chính thức để trang bị cho người dân nền tảng tri thức về y tế để tự phòng bệnh”, ông Trần Quý Tường thông tin. 

Với khám chữa bệnh thông minh, theo ông Trần Quý Tường, bệnh viện (BV) chưa thể coi là hiện đại nếu chưa ứng dụng CNTT. CNTT giúp đơn giản hóa các thủ tục, người dân dễ dàng tiếp cận với bác sĩ và dịch vụ hiện đại, giảm thời gian chờ đợi. Người dân thay vì đến BV thì có thể đăng ký khám chữa bệnh tại nhà, trừ trường hợp cấp cứu phải đến thẳng BV. Với quản trị thông minh, khi triển khai quản lý bằng CNTT, giám đốc BV có thể biết ngay tức thời số lượng người bệnh tại BV mình phân bố ở các khoa như thế nào, chỗ phòng khám nào đang đông để có thể điều chỉnh kịp thời. Các thống kê y tế điện tử luôn được cập nhật từ xã, huyện đến tỉnh thành với thời gian thực trong từng thời điểm như số liệu người dân đến khám bệnh, số liệu dịch bệnh, an toàn thực phẩm, số liệu về thuốc tại các địa phương, thậm chí có thể biết cả nhu cầu thuốc của các BV. Nhờ thế, Bộ Y tế có thể biết được hiện nay trên 1.400 BV trong cả nước BV nào quá tải nhiều nhất.

TPHCM sớm chủ động 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Văn Đức, Trưởng phòng CNTT BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết bắt đầu từ năm 2017, BV đã triển khai bệnh án điện tử, hệ thống PACS, hóa đơn điện tử toàn viện, kios điện tử… nhằm hiện đại hóa lưu trữ thông tin cũng như gia tăng các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế. “Thông qua các tiện ích của bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra. Trong tương lai, BV tiếp tục phát triển bệnh án điện tử trong quản lý thuốc, chỉ định cận lâm sàng, quản lý vật tư y tế”, ông Trần Văn Đức cho hay. Cũng tại BV này đã triển khai đăng ký khám bệnh tự động qua kios điện tử, người bệnh không cần phải mất thời gian xếp hàng, chờ đợi. Người bệnh có thể biết được số thứ tự đang khám tại phòng khám, từ đó linh động sắp xếp thời gian, không phải ngồi đợi đến lượt khám như trước. Ngoài ra, để tiết kiệm nhân sự, thời gian và chi phí in ấn, BV đã phát hành hóa đơn điện tử toàn viện, người bệnh có thể tra cứu và nhận hóa đơn giá trị gia tăng thông qua website BV. 

Trước đó, BV Nguyễn Trãi cũng đã được Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư hạ tầng trang thiết bị và hỗ trợ nhân sự để triển khai hệ thống quản lý BV VNPT-HIS. Bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc BV Nguyễn Trãi, cho biết phần mềm đáp ứng đầy đủ các chức năng phục vụ công tác khám, chữa bệnh, giúp quản lý thông tin bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, lưu lại quá trình khám, chữa bệnh và chẩn đoán. Nhân viên y tế chỉ cần đăng nhập vào hệ thống để sử dụng các phân hệ quản lý hoàn chỉnh từ hành chính đến khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú, quản lý viện phí và bảo hiểm y tế, quản lý dược và vật tư… 

PGS - TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết từ năm 2019, Sở Y tế TPHCM sẽ thay toàn bộ giấy mời họp và giấy thông báo bằng tin nhắn qua ứng dụng trên điện thoại. Đây là một trong những nội dung của công tác cải cách hành chính và xây dựng đô thị thông minh mà ngành y tế TP đang triển khai. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế đã giúp các cơ sở y tế của TP tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là tiền đề để TP xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù mang lại lợi ích lớn, nhưng theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay đa số các BV tại Việt Nam vẫn chưa sử dụng CNTT một cách rộng rãi và đồng bộ do những rào cản từ hạ tầng, thiết bị đến con người. Định hướng đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam sẽ xây dựng hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng và phát triển y tế thông minh trên phạm vi cả nước, hạ tầng y tế thông minh, hệ thống quản trị y tế thông minh và chăm sóc sức khỏe thông minh; xây dựng và từng bước hình thành hệ thống khám chữa bệnh thông minh.

Hoàng Phong

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi