Thứ Ba, 21/1/2025
Chuyện cảm động về nữ y tá ở làng phong Quả Cảm

Dành trọn thanh xuân bên những bệnh nhân phong

Sinh năm 1957, trong một gia đình có năm chị em tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), từ nhỏ nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã thiếu tình cảm gia đình. Năm lên ba tuổi mẹ cô qua đời. Đến năm 10 tuổi thì bố mất. Chị em nương tựa nhau mà trưởng thành. Vào lứa tuổi mười tám, đôi mươi khi đang là cô giáo mầm non, trong một lần tình cờ đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” kể về hành trình của một linh mục người Pháp trẻ tuổi đã từ bỏ cuộc sống sung túc để tới Di Linh (Lâm Đồng) chăm sóc bệnh nhân phong và thành lập trại phong Di Linh, đã gieo vào lòng cô gái trẻ biết bao trăn trở.

Quê cô cũng có trại phong. Hình ảnh những người bệnh qua từng trang sách đã đọc phải chịu biết bao đau đớn về thể xác, thiếu tình yêu thương của người thân đã thôi thúc cô đến thăm trại phong Quả Cảm-gần nơi cô đang sinh sống. Cô Xuân bồi hồi nhớ lại: Lúc đó vào năm 1987. Cả xã hội bấy giờ còn kỳ thị những người mắc bệnh phong lắm, tôi phải len lén người thân để đến đây. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhìn thấy những cụ ông, cụ bà bị cụt hết những ngón tay, ngón chân, có vết thương còn đang rớm máu; mùi hôi của những lớp da thịt bị phân hủy nồng nặc khắp căn phòng. Đau đớn là vậy nhưng hầu hết họ phải chịu cảnh cô độc, không có người thân bên cạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, nước mắt tôi ứa ra, tôi không có cảm giác sợ hãi mà thấy đồng cảm như thể đấy chính là người thân của mình. Cũng tại trại phong Quả Cảm, tôi còn chứng kiến cảnh ra đi của những người bệnh. Khi họ mất không có kèn, trống, không người đưa tiễn. Mọi người vẫn gọi đấy là những đám ma “ba không”.

Từ sau ngày hôm ấy, cứ hết giờ lên lớp cô Xuân lại tìm đến những bệnh nhân phong, bầu bạn với họ, chăm sóc họ. Những bệnh nhân không thể tự bước đi bằng đôi chân của mình đã có cô Xuân cõng, cô Xuân dìu họ bước đi từng bước. Cô còn nấu ăn, chải tóc, tết tóc, dọn dẹp nhà cửa cho các bệnh nhân… không việc gì là không làm. Giữa năm 1987, cô Xuân quyết định xin nghỉ dạy học ở trường mầm non để đến trại phong làm việc trong sự ngỡ ngàng của người thân. Họ hàng, bạn bè ra sức can ngăn không được, có người còn dọa sẽ từ mặt. Hàng xóm thì nói cô hâm, gàn dở, có người mỉa mai gọi cô là cô Xuân “hủi”.

Bỏ qua những lời đàm tiếu, dị nghị, theo tiếng gọi của trái tim, của lương tri, cô vẫn quyết tâm gặp Ban Giám đốc trại phong Quả Cảm để được ở lại làm việc. Chính Ban Giám đốc cũng ngỡ ngàng vì thời điểm đó chưa có trường hợp nào tự nguyện đến trại phong xin việc. Tuy nhiên, chính tình cảm chân thành, đồng cảm của cô đối với những bệnh nhân phong đã giúp cô có thể ở lại trại phong làm y tá.

Năm 1988, để nâng cao nghiệp vụ, Ban Giám đốc trại phong Quả Cảm quyết định cử y tá Xuân vào thành phố Quy Nhơn (Bình Định) học trung cấp y. Tại đây, cô đã đến trại phong Quy Hòa học hỏi thêm kinh nghiệm, cách chăm sóc các bệnh nhân. Sau khi học xong, cô tiếp tục chờ một năm thử thách mới nhận được quyết định vào làm việc chính thức và gắn bó với trại phong Quả Cảm từ đó cho tới nay.

Hạnh phúc từ những đôi bàn tay, bàn chân không lành lặn

Khi chính thức trở thành y tá, cô Xuân được lãnh đạo trại phong cấp phòng làm việc. Để thuận tiện thăm khám và chăm sóc bệnh nhân, cô xin được ở dãy nhà ngay cạnh họ. Không kể là ngày hay đêm, hễ bệnh nhân cần là cô lập tức có mặt. Công việc hằng ngày của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân là vệ sinh vết thương, làm chân tay giả cho người bệnh và hỗ trợ bệnh nhân tập luyện tại phòng tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên, ngoài công việc chính cô còn hỗ trợ người bệnh lớn tuổi tắm giặt, nấu cơm, sửa điện nước, sửa chữa vật dụng hư hỏng…và cả việc khâm liệm cho người đã mất. Trong hơn 31 năm qua, cô Xuân tự tay tắm rửa, xây mộ và chôn cất cho gần 200 bệnh nhân phong.

Ở Bệnh viện Phong và Da liễu (lúc bấy giờ là trại phong Quả Cảm) từ năm 1965, cụ Ngô Thị Soạn quê ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ: “Y tá Xuân đã hy sinh cả cuộc đời để gắn bó với chúng tôi. Cô vừa chữa bệnh, vừa làm con của nhiều ông bố, bà mẹ không lành lặn, vừa làm mẹ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở trại phong, lại còn kiêm luôn vai trò của bà mối. Cô Xuân mát tay lắm, nhờ cô Xuân, hơn 20 cặp vợ chồng đã nên duyên. Làng phong rộn rã tiếng cười con trẻ, điều mà chúng tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Những thế hệ được sinh ra và lớn lên tại Quả Cảm được học hành đến nơi đến chốn. Có những gia đình hai con đỗ đại học và có việc làm ổn định”. Khóe mắt cụ Soạn dâng lên niềm tự hào, hạnh phúc như thể đang nói về con gái mình.

Ngồi kế bên cụ Soạn, ông Nguyễn Văn Trấn (quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tiếp lời, hồi tôi mới đến nơi này hoang vu lắm. Khi cô Xuân đến đây, những bụi cỏ dại được thay thế bằng luống rau xanh mướt. Những mái nhà lụp xụp được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang hơn. Xóm nhỏ chúng tôi có gần 100 người, phân chia thành các tổ, vui buồn có nhau. Mặc dù không phải bệnh nhân, cũng không phải người lớn tuổi nhất nhưng cô Xuân được xem như “già làng”. Từ việc nhỏ đến việc lớn, có gì khúc mắc cư dân làng phong cũng tìm đến cô Xuân xin ý kiến và nhờ cô giúp đỡ.

Ngoài công việc chuyên môn, với uy tín của mình, những năm qua cô Xuân còn đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng nhà ở cho bệnh nhân, xây mới và sửa sang lại các phòng chức năng, đường sá, xây dựng lại các ngôi mộ của những bệnh nhân đã mất ở làng phong. Đồng thời, từ nguồn hỗ trợ đó cô còn trích một phần giúp các gia đình có chút vốn liếng gây dựng đàn gà, nuôi cá, trồng cây ăn quả…Nhờ đó, mà những bữa ăn của người bệnh được cải thiện và có thêm đồng ra, đồng vào. Ngoài làng phong Quả Cảm, cô Xuân là cầu nối, kêu gọi mọi người chung tay xây dựng gần 200 ngôi nhà mới khang trang cho các bệnh nhân phong khắp cả nước.

Cô Xuân chia sẻ, năm 2012, tôi nhận được quyết định về hưu nhưng nơi này các bệnh nhân còn cần tôi nên tôi không nỡ xa họ. Nhiều người khuyên tôi về quê sống những năm tháng an nhàn với người thân, với bà con làng xóm nhưng với tôi những bệnh nhân của làng phong cũng là người thân, láng giềng nên tôi đã viết đơn tự nguyện xin ở lại, tiếp tục những tháng ngày ý nghĩa của mình. Đến khi nào không còn đủ sức vo gạo, không cầm được cốc nước cho các cụ thì tôi sẽ nghỉ, chứ bây giờ tôi còn khỏe lắm.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Da liễu tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Tý, y tá Xuân là tấm gương cho lớp y, bác sĩ trẻ noi theo. Hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, y tá Xuân luôn hết lòng, tận tụy chăm sóc bệnh nhân, được người bệnh, đồng nghiệp kính trọng và yêu quý. Y tá Xuân còn truyền cho bệnh nhân nghị lực sống để họ có thêm sự lạc quan, yêu đời, sống tích cực, vui vẻ hơn.

Sự hy sinh thầm lặng của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen. Gần đây nhất, cô Xuân là một trong số 70 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được UBND tỉnh Bắc Ninh tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018). Mặc dù được rất nhiều giấy khen của các cấp, các ngành nhưng với y tá Xuân, phần thưởng vô giá nhất, ý nghĩa nhất đối với bà chính là đã giúp những bệnh nhân phong tự tin được trở lại làm người bình thường.

Thương Huyền

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi