Hơn 20 năm bác sĩ Nguyễn Huy Quảng gắn bó với công tác chữa bệnh từ thiện tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành. Với tấm lòng nhân ái, anh đã cứu chữa cho hàng trăm trẻ em tật nguyền bằng phương pháp đông y, thắp lên hy vọng và tương lai tươi sáng hơn cho những mảnh đời bất hạnh.
Một ngày làm việc của bác sĩ Nguyễn Huy Quảng bắt đầu với việc thăm khám tình trạng bệnh cho khoảng hơn 40 trẻ em từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các em đều không may mắc các bệnh, tật bẩm sinh như: Bại não, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, bại liệt… Có cháu mới đến điều trị được một vài tháng nhưng có cháu đã gắn bó nhiều năm, coi Trung tâm như mái nhà thứ hai. Bác sĩ Quảng vì thế cũng thuộc tên, thuộc tính nết, hoàn cảnh gia đình của từng em nhỏ. Không chỉ trực tiếp khám, châm cứu, anh còn tư vấn cho cha mẹ, ông bà cách chăm sóc, phục hồi chức năng cho con em tại nhà. “Chữa bệnh bằng phương pháp đông y đòi hỏi một thời gian dài trong khi hoàn cảnh gia đình các cháu đều rất khó khăn. Thương các cháu, tôi động viên gia đình cố gắng kiên trì. Chữa bệnh tại đây không mất tiền. Bệnh nhân nào ở xa, trung tâm sẵn sàng bố trí phòng ở nội trú” - Bác sĩ Quảng chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 20 năm, khi vừa tốt nghiệp trường Đông y Tuệ Tĩnh và Y học cổ truyền Việt Nam, bác sĩ Quảng về nhận công tác tại Hội Đông y huyện Thuận Thành. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh trẻ em bất hạnh vì các bệnh, dị tật bẩm sinh, anh mong muốn được mang kiến thức, tay nghề giúp đỡ các em phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. May mắn trong một lần Giáo sư Nguyễn Tài Thu, người thầy của ngành châm cứu đến giảng dạy chuyên môn đã gợi ý, trợ giúp Hội đông y huyện xin phép thành lập Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật theo mô hình của Trung ương. Từ đó anh xác định cống hiến tuổi trẻ cho công tác chữa bệnh từ thiện.
Thời gian mới thành lập, điều kiện hoạt động của Trung tâm còn vô cùng thiếu thốn. Ban đầu chỉ là căn phòng cấp 4 chung trụ sở với Bệnh viện Đa khoa huyện, về sau Trung tâm được tiếp nhận lại cơ sở vật chất của Trạm y tế thị trấn Hồ nhưng diện tích vẫn rất chật hẹp, xuống cấp. Vượt qua khó khăn ấy, bác sĩ Quảng cùng các y bác sĩ đã chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm trẻ em khuyết tật. Đến khi chính thức tiếp quản vị trí Giám đốc Trung tâm năm 2013, anh càng ý thức trách nhiệm phải làm thế nào để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, đáp lại niềm tin của các gia đình. Ngoài châm cứu, anh kết hợp trị liệu xoa bóp bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, tập phục hồi chức năng, dạy nói, dạy chữ cho trẻ tự kỷ, câm điếc…
Những phương pháp của bác sĩ Quảng phát huy tác dụng tích cực khi hầu hết trẻ sau một thời gian điều trị đều có những tiến bộ nhất định. Nhiều cháu khi đến Trung tâm chưa thể ngồi vững nhưng được các y bác sĩ nhiệt tình chữa trị, tập vật lý trị liệu đã có thể đứng và đi lại được. Không ít trẻ cải thiện được tình trạng sức khỏe đã có thể tự sinh hoạt bản thân và tiếp tục học tập. Khó có thể kể hết những nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc và tình cảm biết ơn từ đáy lòng của các gia đình, em nhỏ với bác sĩ Quảng và các y bác sĩ tại đây. Bà Đặng Thị Thùy (Nhân Thắng, Gia Bình) cho hay: “Sự tận tuỵ, thương yêu, hết lòng chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ Quảng xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”. Như trường hợp cháu trai 4 tuổi bị bại não nhà tôi. Tưởng chừng đã hết hy vọng nhưng nhờ được bác sĩ Quảng hết lòng động viên, chữa trị nay đã biết đi, biết chạy, biết nói nhiều điều. Với những gia đình nông dân, hoàn cảnh khó khăn thì việc làm của bác sĩ thật sự vô cùng trân quý”.
Thấm thoát đã hơn 20 năm, dù có nhiều cơ hội để chuyển công tác nhưng bác sĩ Nguyễn Huy Quảng vẫn quyết định gắn bó với việc khám chữa bệnh từ thiện tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành. Anh thấy hài lòng và hạnh phúc bởi công việc của mình góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều em nhỏ khuyết tật: “Những năm gần đây các cấp, ngành trong tỉnh và xã hội ngày càng quan tâm đến các hoạt động công tác xã hội, thiện nguyện. Nhờ đó, Trung tâm được đón nhận nhiều hơn sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị hiện tại vẫn khiến tôi trăn trở bởi chưa thực sự đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh cho trẻ khuyết tật. Rất mong các cấp, ngành, các mạnh thường quân quan tâm hơn nữa để các cháu có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Như bông hoa đẹp nở giữa đời thường, bác sĩ Nguyễn Huy Quảng với tấm lòng và tâm sáng của mình đã và đang góp phần thắp lên hy vọng sống, tiếp thêm động lực để các em nhỏ khuyết tật vươn lên hoàn cảnh, có một cuộc sống bình thường như bao người.
Thương Huyền