Thứ Tư, 25/12/2024
Một tấm gương “Dân vận khéo” tại CHLB Đức
 

Chị Dương Thị Việt Thắng phát biểu khai mạc tại một buổi tọa đàm về
giảng dạy tiếng Việt tại Đức. Ảnh: TTXVN 


Công việc tại ĐSQVN có rất nhiều lĩnh vực, mỗi người phụ trách một mảng khác nhau, song làm việc trực tiếp với lưu học sinh Việt Nam (LHSVN) tại CHLB Đức là mảng công việc mà chị Thắng được phân công theo dõi.
Để giải quyết kịp thời các thủ tục đăng ký lưu học sinh và tập hợp số lượng lớn LHSVN trong toàn Liên bang Đức, khuyến khích họ tham gia, chung tay với các sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức là việc làm tương đối khó vì LHSVN sang đây chủ yếu tập trung vào việc học tập, nghiên cứu.

Qua gặp gỡ, trao đổi với chị Thắng để làm thủ tục đăng ký LHSVN khi nhập học và xác nhận hoàn thành khóa học, hầu hết LHSVN đều nhận thấy sự tận tụy, cởi mở, thẳng thắn, có trách nhiệm của chị. Có những trường hợp chị đã dành thời gian đến tận cơ sở để nắm bắt thông tin, động viên, tư vấn và hướng dẫn kịp thời. Điều này giúp cho rất nhiều LHSVN tại Đức cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều trong quá trình sinh sống và học tập trên đất nước bạn.

Bạn Đào Thúy Duyên - hiện đang học Thạc sĩ tại trường Marburg tâm sự: “9 tháng trước, khi tôi đặt chân đến CHLB Đức để chuẩn bị cho khóa học thạc sĩ tại trường đại học Phillips - Marburg. Người đầu tiên tôi liên hệ để đề nghị được giúp đỡ hoàn thành các thủ tục là chị Dương Thị Việt Thắng. Sau này, tôi có dịp được tiếp xúc và nói chuyện với chị nhiều hơn, tôi cảm thấy chị Thắng thực sự là một người đảng viên rất mẫu mực và chan hòa, đây cũng là cảm nhận chung của rất nhiều những bạn du học sinh đã từng được chị Thắng giúp đỡ”.

Đã từng sinh sống và học tập tại CHLB Đức, chính vì vậy chị Thắng am hiểu về cuộc sống thực tế cũng như cũng những yêu cầu khắt khe về mặt học thuật của giáo dục của CHLB Đức. Điều này đòi hỏi sự nghiêm túc đối với việc học tập và các kỹ năng khác trong cuộc sống. Bằng kinh nghiệm của người đi trước, chị Thắng luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm việc hay sinh hoạt hàng ngày cho những LHSVN mới lần đầu đặt chân sang nước Đức.

Trước khi làm tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, chị Thắng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa tiếng Đức của một trường đại học tại Hà Nội nên chị cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp các bạn LHSVN học tiếng Đức. Nguyễn Hoàng Phương - hiện đang học thạc sĩ ngành Tài chính - Kế toán tại Trường đại học Giessen chia sẻ: “Cô Thắng rất tốt và chu đáo với sinh viên, ngay từ khi em được học cô ở Việt Nam, ngoài khả năng sư phạm vững vàng trong việc truyền tải kiến thức, cô luôn luôn lắng nghe những khó khăn của chúng em trong việc học tiếng Đức, chính nhờ có sự chỉ bảo tận tình của cô, em đã vượt qua được nỗi sợ hãi ngôn ngữ của mình và việc học tập của em giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn”.

 Tính đến hết năm năm 2018, số lượng LHSVN tại CHLB Đức khoảng 6.700 người chủ yếu theo học tại các trường học, trường nghề của CHLB Đức với nhiều nguồn tài chính khác nhau như: ngân sách nhà nước, học bổng nước ngoài, tự túc... 

Bạn Thái Ngọc Bảo Trâm ở Berlin tâm sự: “Ấn tượng hơn hết là chị Thắng rất gần gũi với các bạn sinh viên, thấu hiểu và chia sẻ được những khó khăn mà sinh viên xa nhà gặp phải. Những bạn sinh viên ở xa đến Berlin nhưng không có chỗ tá túc qua đêm, thường được chị giúp cho ngủ nhờ qua đêm, nghe có vẻ đơn giản nhưng chính những hành động thiết thực và gần gũi ấy lại là những thông cảm, đồng cảm và hỗ trợ thực tế của chị đối với sinh viên chúng em”.

Khi biết tin có một bạn du học sinh là nghiên cứu sinh ở Hannover bị bệnh hiểm nghèo mà gia đình chưa kịp sang, chị Thắng đã kịp thời đến hỏi thăm tình hình và động viên bạn. Trong số những LHSVN sang học tập tại CHLB Đức, có một số bạn xây dựng gia đình trong quá trình học tập tại CHLB Đức và khi sinh con, các thủ tục đăng ký hộ chiếu cho con là một việc làm bắt buộc. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình và cụ thể của chị mà các thủ tục được giải quyết một cách nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định.

Bạn Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức tâm sự: “Chị Thắng rất tâm huyết với các hoạt động cộng đồng, sinh viên và dành rất nhiều thời gian cá nhân của mình để hỗ trợ đóng góp, khi Hội Sinh viên triển khai các hoạt động gặp khó khăn thì chị là người trực tiếp đi vận động các doanh nghiệp, Hội đoàn, cộng đồng để Hội Sinh viên có quỹ tổ chức các hoạt động như mở các hội trại Jena 2017, Hanover 2018. Chị đã trực tiếp liên hệ đốc thúc và làm cầu nối quan trọng giữa Hội Sinh viên và Đại sứ quán để các hoạt động của Hội với Đại sứ quán và cộng đồng thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, chị trực tiếp tư vấn và hỗ trợ Hội Sinh viên đưa các dự án của Đại sứ quán và của cộng đồng đến với Hội thông qua các hoạt động như Tuần lễ châu Á Thái Bình Dương về cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Start-up, hoạt động hướng về Trường và Hoàng Sa, sự kiện HAT châu Âu tại Hungary, kết nối với các trường Đại học, các tổ chức có thể hỗ trợ sinh viên của Đức như CIM, GIZ góp phần nâng tầm Hội Sinh viên, vị thế thế hệ trẻ gốc Việt vào các hoạt động xã hội Việt tại Đức... Sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp nêu trên của chị Thắng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ Hội Sinh viên, giúp gắn kết Hội Sinh viên với cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức, làm cầu nối và tạo niềm tin để tiếp thêm sức mạnh nhiều hoạt động của Hội Sinh viên, khuyến khích và thúc đẩy những đóng góp về khoa học của lực lượng LHSVN trong quá trình phát triển của nước nhà.

Ngoài ra, cá nhân chị Thắng luôn luôn tham gia các hoạt động do cộng đồng người Việt tổ chức, tham gia giúp đỡ làm phiên dịch cho các đoàn công tác doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam, giúp đỡ các công việc chung trong Đại sứ quán cũng như cộng đồng. 

Theo chia sẻ của chị Thắng, những tư tưởng về dân vận mà chị có được là nhờ học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của nhiều thế hệ đồng thời thấm nhuần tư tưởng dân vận của Bác Hồ, nhờ vậy đã đạt được thành công trong công việc và được rất nhiều người yêu quý, tôn trọng.

Thực tế đã chứng minh rằng “Dân vận khéo” không phải là việc gì quá to tát mà nó mang ý nghĩa thực tế như lời Bác Hồ kính yêu của chúng ta trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949. Bác đã chỉ ra cái “khéo” trong công tác dân vận: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Điều này thực sự rất đúng với chị Dương Thị Việt Thắng - một người đi đầu trong mọi công tác chung, sống khiêm tốn, giản dị, nhiệt tình trong công việc và giúp đỡ tận tâm với những LHSVN ở Đức. 

Việt Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi