Thứ Ba, 24/12/2024
Trung tâm văn hóa Phật giáo cấp tỉnh đầu tiên của người Việt tại Séc

 Ông Jan Kubíček, Giám đốc Văn phòng hội nhập tỉnh Ústecký, trao chứng nhận 
"Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Ústecký-Chùa Most"

Tối 11/8, tại thành phố Most thuộc tỉnh Ústecký (Bắc CH Séc) đã diễn ra lễ “Vu Lan báo hiếu” và đón nhận quyết định của Tòa án tỉnh Ústecký nâng cấp “Trung tâm Văn hóa Phật giáo Chùa Most” thành “Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Ústecký - Chùa Most.”

Đây là một bước khẳng định vai trò và sự lan tỏa văn hóa tâm linh Phật giáo của cộng đồng người Việt tại CH Séc, ngày càng được chính quyền sở tại trân trọng ghi nhận, tạo điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục truyền thống của văn hóa Việt Nam, hòa đồng với văn hóa địa phương.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng dân tộc thiểu số và Văn phòng hội nhập tỉnh Ústecký, đại diện lãnh đạo cộng đồng và các hội, đoàn người Việt các vị chức sắc Phật giáo đến từ CH Séc và CHLB Đức, cùng hàng trăm Phật tử và bà con người Việt đang sinh sống tại khu vực Bắc Séc và CHLB Đức.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại đức Thích Thông Đạt, Trụ trì Chùa Most đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc nâng tầm cho “ngôi nhà tâm linh” của người Việt tại tỉnh Ústecký.

Đại đức chia sẻ, đây là niềm vinh dự đối với Phật tử tại CH Séc, đồng thời là thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Hội đồng tỉnh đối với hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam.

Theo Đại đức, ngôi chùa không chỉ là nơi gửi gắm tâm hồn mà còn là nơi giác ngộ tinh thần và đặc biệt là nơi giữ gìn nét văn hóa truyền thống, bảo tồn tiếng Việt đối với những người con sống xa Tổ quốc.

Thay mặt Hội đồng tỉnh Ústecký, ông Jan Kubíček - Giám đốc Văn phòng hội nhập tỉnh - đã trao giấy chứng nhận của Tòa án tỉnh công nhận “Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Ústecký - Chùa Most”.

Ông Jan Kubíček đánh giá cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng có nhiều hoạt động bảo tồn bản sắc và giới thiệu văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú.

Ông mong muốn Trung tâm Văn hóa Phật giáo luôn là nơi tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng và đặc biệt giúp bảo tồn giá trị văn hóa đối với thế hệ trẻ người Việt tại Séc cũng như giúp người dân Séc hiểu về nét đẹp văn hóa của người Việt.

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc, Lễ “Vu Lan báo hiếu” đã trở thành hoạt động tâm linh quan trọng trong năm, là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn của cha mẹ cũng như gìn giữ, phát huy nét văn hóa đặc sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói riêng, hòa quyện trong giáo lý Phật giáo nói chung.

Đây là nền tảng đạo đức luôn luôn được duy trì và phát huy trong mỗi gia đình của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là cơ sở để nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, luôn hướng về Tổ quốc và cội nguồn dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi