Đại hội thảo luận và thông qua Điều lệ của AVIJ, bầu ra Ban Chấp hành AVIJ nhiệm kỳ 2019-2021 gồm 9 thành viên do ông Lê Đức Anh, tiến sỹ thuộc trường Đại học Tokyo, làm Chủ tịch Hội.
Ngày 14/11, Đại hội thành lập Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ) đã được tổ chức tại thủ đô Tokyo, với sự tham gia của đại diện các hội, nhóm, đoàn thể của người Việt tại Nhật Bản cùng với đông đảo trí thức Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước này.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Điều lệ của AVIJ, đồng thời bầu ra Ban Chấp hành AVIJ nhiệm kỳ 2019-2021 gồm 9 thành viên do ông Lê Đức Anh, tiến sỹ thuộc trường Đại học Tokyo, làm Chủ tịch và ông Phạm Văn Long, nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo, làm Tổng Thư ký.
|
Ông Lê Đức Anh- Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản |
Tại đại hội, Ban chấp hành AVIJ đã thảo luận và thông qua tôn chỉ, mục đích cũng như thống nhất chương trình hành động của AVIJ trong thời gian tới.
Trước mắt, AVIJ sẽ tập trung tổ chức thành công Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2019, với chủ đề “Make in Vietnam: Cơ hội và thách thức”.
Phát biểu tại đại hội, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chúc mừng đại hội đã bầu ra được Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2019-2021 với những cá nhân ưu tú, có ảnh hưởng trong cộng đồng.
Đại sứ cho biết: “Việc thành lập AVIJ xuất phát từ ý chí chủ quan của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và đòi hỏi khách quan của thực tiễn khi số lượng trí thức người Việt tại nước này đã tăng mạnh trong 10 năm qua.
Đại hội này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì, nó sẽ giúp kết nối cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản nhằm tạo nên sức mạnh tập thể”.
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng cam kết đồng hành và tạo điều kiện cho các hoạt động của AVIJ để cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp tốt nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Lê Đức Anh, Chủ tịch AVIJ, cho biết AVIJ được thành lập nhằm kết nối tất cả các cá nhân và nhóm trí thức của người Việt Nam tại Nhật Bản.
AVIJ sẽ đóng vai trò cầu nối tạo ra những cơ hội hợp tác giữa các cá nhân và nhóm riêng lẻ, tạo nên sức mạnh tập thể và nâng tầm vị thế, vai trò của cộng đồng trí thức người Việt Nam tại Nhật Bản, từ đó triển khai những dự án mà mỗi cá nhân và nhóm không dễ dàng thực hiện.
Về phương hướng hoạt động của AVIJ trong thời gian tới, Chủ tịch AVIJ Lê Đức Anh cho biết: “Trước hết, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra kênh thông tin chung để kết nối các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, đồng thời tổ chức thành công diễn đàn đầu tiên của trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng xây dựng các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhằm giúp tăng cường trao đổi khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản để làm sao quá trình đổi mới, sáng tạo ở trong nước sẽ được chắp cánh bởi các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản”.
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Lưu trú và Xuất nhập cảnh Nhật Bản, đến cuối tháng Sáu vừa qua, tổng số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là 371.755 người. Đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại nước này sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, số lượng trí thức Việt Nam ở Nhật Bản đã tăng mạnh; trong đó có nhiều nhà khoa học và chuyên gia đang học tập hoặc làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty hàng đầu của Nhật Bản cũng như các doanh nhân khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực./.
TTXVN/Vietnam+