Thứ Sáu, 26/4/2024
Cảm nhận của kiều bào: Đảng Cộng sản Việt Nam - niềm tin, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Suốt 90 năm lãnh đạo, giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là hơi thở và mạch sống của nhân dân. Đảng được lòng dân hưởng ứng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có những đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.


 Buổi diễu hành tại Paris ngày 1 tháng 5 năm 1975

NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành mới hơn 20 tuổi đầu, trong tư cách một người lao động với đôi bàn tay trắng và một ý chí mãnh liệt, một khát vọng giành độc lập tự do cho dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước. 

Từ năm 1912 - 1917, Người đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người đã tham gia Đảng Xã hội Pháp và cùng với các nhân vật yêu nước sáng lập Nhóm người An Nam yêu nước. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người đã gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Từ ngày 25-30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương, bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lenin và tìm được con đường giải phóng dân tộc. Nước Pháp trở thành nơi mà phần lớn thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động đấu tranh chính trị và tư tưởng để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một dấu mốc lịch sử quan trọng, một con đường vững chắc cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.  

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân Pháp gần một trăm năm. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thực dân Pháp vẫn ngoan cố, chiến tranh vẫn tiếp tục. Với tinh thần yêu nước của mình, Việt kiều Pháp tích cực tham gia và tiếp tục bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp cùng dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Hiệp định Geneva (tháng 7/1954) xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chấm dứt sự nô dịch của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương; Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Trong khi đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Geneva, mở đầu cho chiến tranh với đế quốc Mỹ. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, miền Bắc là hậu phương, miền Nam là tiền tiến lớn. Việt kiều Pháp không tham gia được hình thức vũ trang, nên tập trung vào chính trị và tham chiến trên mặt trận ngoại giao trong dịp Hội nghị Paris 1968-1973. 

Hiệp định Paris năm 1973 thắng lợi, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm nay Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 năm thành lập. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế”, để thấy đây là kết quả 90 năm lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết, tập trung sức mạnh của toàn thể dân tộc, của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

HỒ CHÍ MINH VỚI KIỀU BÀO TA Ở PHÁP

Dân tộc Việt Nam và kiều bào ta tại Pháp không chỉ tự hào về Đảng quang vinh, Hồ Chủ tịch vĩ đại, mà chính Đảng và Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn sống, niềm tin để cả dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, đoàn kết, đấu tranh giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Nhìn lại quá trình hình thành của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trước năm 1930 cho thấy, cộng đồng Việt Nam ở Pháp, ở Xiêm là những nơi sớm nhất ghi dấu ấn vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Hội người Việt Nam tại Pháp cho đến nay được xác định là tổ chức người Việt duy nhất ở Châu Âu và trên toàn thế giới do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập, tổ chức, rèn luyện. Tinh thần yêu nước của Việt kiều Pháp là tinh thần của một đội ngũ chiến đấu của Đảng và dân tộc, một nguồn nội lực của dân tộc ở nước ngoài. Kiều bào tại Pháp đã sát cánh với cách mạng, cùng trăn trở, đoàn kết và hỗ trợ cho một lý tưởng chung cùng với Nguyễn Ái Quốc đấu tranh cho tự do, độc lập của Việt Nam. 

Trong suốt những năm tháng Người hoạt động ở Pháp, cộng đồng người Việt tại Pháp đứng sau Nguyễn Ái Quốc dần được thành hình với các thành phần: chiến binh, trí thức-sinh viên, tiểu thương, thủy thủ và người lao động. Phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp mà Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra là một mô hình tiêu biểu. Từ Paris, với khẩu hiệu Tự do-Bình đẳng-Bác ái, Người không chỉ đấu tranh tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân xâm lược, mà còn kêu gọi và thức tỉnh lòng yêu nước trong cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong chuyến thăm chính thức dài 99 ngày của mùa Hè năm 1946 trên cương vị là thượng khách của Chính quyền Pháp, Hồ Chủ tịch đã dành rất nhiều thời gian tiếp xúc, thăm hỏi, động viên kiều bào và kêu gọi đoàn kết, ủng hộ Đường lối kháng chiến kiến quốc và Chính sách “Hòa để Tiến” của Chính phủ Việt Nam.

Trong khoảng thời gian phái đoàn ở Pháp, kiều bào đã cử đại diện đến giúp việc văn phòng, làm cộng tác viên liên lạc đối ngoại, cử bác sĩ chăm sóc sức khỏe… cho các thành viên và cho Hồ Chủ tịch. Với phong cách chân thành, thiện chí xây dựng, sự cởi mở, khiêm tốn giản dị và trọng nghĩa tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp cùng sự kính trọng cho từ các anh công binh đến những trí thức; nhiều người muốn và đã theo Người về Tổ quốc để tham gia đấu tranh cho đất nước. 

Trước khi Hồ Chủ tịch rời nước Pháp, tại Hội trường tương tế Maubert, kiều bào tổ chúc một cuộc gặp mặt rất lớn mời Hồ Chủ tịch và Phái đoàn đàm phán tại Fontainebleau đến tiếp xúc. Người đã nhắn nhủ với hơn 2000 kiều bào có mặt về phận sự của người con xa Tổ quốc: Anh em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm! Người ân cần thăm hỏi và căn dặn bà con tranh thủ sự cảm tình và giúp đỡ của nhân dân Pháp, ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; thực hiện đời sống mới cần - kiệm – liêm - chính, ra sức học hỏi, mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước.  

Năm 1969, Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp ra đời. Ngày 13/5/1969, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban Chấp hành Hội, trong đó có đoạn: “Từ trước tới nay, kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và nâng cao tinh thần đoàn kết thương yêu trong kiều bào, giữ tình hữu nghị với nhân dân Pháp. Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới tất cả các chi hội và hội viên cùng toàn thể kiều bào yêu nước”.

Hơn nửa thế kỷ, ngày Bác Hồ viết những lá thư cuối cùng gửi kiều bào ta ở Pháp, cũng hơn nữa thế kỷ Bác đi xa, kiều bào ở Pháp luôn là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. Mỗi người luôn nhớ và làm theo lời Bác dặn trong chuyến thăm Pháp năm 1946:  Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Vệt Nam!

KIỀU BÀO LÀ BỘ PHẬN KHÔNG TÁCH RỜI CỦA DÂN TỘC

Từ Nhóm người An Nam yêu nước, qua nhiều thế hệ, phong trào Việt kiều ở Pháp có nhiều tên gọi, nhiều thăng trầm, lúc công khai, lúc âm thầm nhưng trong suốt lịch sử vẫn giữ một lòng gắn bó với dân tộc, luôn tràn đầy tâm huyết và tình cảm dành cho quê hương, trở thành Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.

Một 100 năm - một thế kỷ, từ Nhóm người An Nam yêu nước đến Hội người Việt Nam tại Pháp đã sống và cống hiến trọn vẹn trong khả năng của mình, chấp nhận những thăng trầm đấu tranh để tạo ra một phần lịch sử phong trào tại Pháp song song với dòng chảy lịch sử Việt Nam với khẩu hiệu YÊU NƯỚC - TỰ GIÁC - CHỦ ĐỘNG - TƯ TƯỞNG TIẾN BỘ.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu luôn trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Kiều bào là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng ta mong muốn khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc, mở rộng và trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Để chứng tỏ lòng quan tâm ấy, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời ngày 26/3/2004. Cũng trên tinh thần đó, nhiều trí thức kiều bào ở Pháp đã trở về phục vụ đất nước; những người ở lại tổ chức nhiều hiệp hội như Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y khoa, Hội Khoa học Xã hội, Hội Công nhân Lao động và Hội Thương gia. Tất cả là thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp, mỗi hội, mỗi người, mỗi lĩnh vực cùng nhau đóng góp xây dựng Tổ quốc. 

Khi có thiên tai lũ lụt tại quê nhà, kiều bào cùng nhau giúp đỡ bà con bên nhà với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Dự án cho vi tín dụng và xây cất nhà phục hồi chức năng cho trẻ nhiễm chất độc màu da cam, nhiều dự án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xây cất trường học, trạm y tế và thiết bị dụng cụ y tế cho vùng sâu vùng xa hay xây cầu, đường, xử lý nước ngọt cho vùng bị nhiễm mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long cùng nhiều dự án khoa học thiết thực… ra đời, góp phần xây dựng đất nước.

Nghị quyết 36 cũng khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài bằng nhiều hình thức đa dạng, nhất là lớp trẻ; trong đó có các chuyến tham quan về nguồn kết hợp học tập tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá Việt Nam nhằm giúp cho thế hệ trẻ kiều bào có cơ hội tìm hiểu thực tế đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.

Với vài ý tưởng tâm tư chia sẻ trên, với tôi, ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là ngày rất quan trọng vì Đảng là người chèo lái con thuyền tương lai của dân tộc Việt Nam. Được như ngày hôm nay, không phải là một sớm một chiều, Hồ Chí Minh đã gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời, trường kỳ kháng chiến với tài năng và kiên trì trải qua biết bao khó khăn. Thật là vĩ đại! 

(quehuongonline.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất