Sôi nổi phong trào hỗ trợ cộng đồng
Đứng trong một căn nhà kho chứa đầy thực phẩm tại thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia, doanh nhân Diem Kieu Fuggersberger cặm cụi chia từng bao gạo, thùng mỳ và hộp trứng gà tươi cho các bạn sinh viên quốc tế gặp khó khăn.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ của buổi sáng ngày 18/4, 5 tấn gạo, 1.550 quả trứng và 2.000 thùng mỳ ăn liền đã được chị Diem Kieu và các cộng sự trong Công ty Berger Ingredients và Coco& Lcas’Kitchen phân phát cho hơn 300 người đến nhận. Mệt và vất vả, nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi nữ doanh nhân gốc Việt.
Cùng ngày, ở một địa điểm khác ở thành phố Melbourne (bang Victoria), quản trị viên Nguyễn Đức Quyết và các thành viên của Nhóm “VSM- Cộng đồng Du học sinh Melbourne - Giúp đỡ lẫn nhau” cũng đang tất bật chuẩn bị lên đường đi phân chia thực phẩm cho những người Việt gặp khó khăn tại thành phố Melbourne, theo chương trình “Cơm phải có thịt.”
Trong đợt gây quỹ lần 1, nhóm của Quyết đã thu được gần 10,000 AUD (tương đương 6,000 USD), triển khai mua và trao các món quà “3kg thịt” cho mỗi một đơn đăng ký nhận hỗ trợ, giao tận nhà miễn phí.
Chị Diem Kieu, nhóm “VSM-Cộng đồng Du học sinh Melbourne - Giúp đỡ lẫn nhau” chỉ là hai trong số những mạnh thường quân đang thực hiện công tác hỗ trợ cộng đồng tại Australia. Trong suốt gần một tháng nay, phong trào người Việt giúp đỡ nhau đã lan rộng trên hầu hết các tiểu bang lớn của Xứ Chuột túi.
Nhóm “Mẹ Việt tại Úc,” có gần 13,000 thành viên với khoảng 9,000 người hiện đang sống tại Australia, được xem là một trong những điển hình lớn nhất của phong trào này.
|
Những món quà hỗ trợ đã được các thành viên của nhóm 'Mẹ Việt tại Úc' phân chia và đóng gói cẩn thận để mọi người tự đến lấy |
Bắt đầu phát động chương trình gây quỹ COVID từ ngày 26/3 do chị Nguyễn Bảo Châu, quản trị viên của Nhóm, đề xướng. Sau hơn 3 tuần thực hiện, nhóm đã quyên góp được khoảng 25,000 AUD (tương đương 15,000 USD), xấp xỉ 50 tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ gói, quần áo, đồ dùng các loại... hỗ trợ cho trên 300 trường hợp khó khăn, tại các tiểu bang như Victoria, New South Wales, Queensland, Adelaide...
Chị Katina Vũ, thủ quỹ cho Chương trình nói: “Mọi người cho gì chúng mình cũng nhận, có người sẽ cần thứ này, có người cần thứ khác. Tất cả các sự giúp đỡ đều là đáng quý, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện tại.”
Là một Nhóm hoạt động trên mạng xã hội, nhưng hơn 5 năm kể từ khi thành lập tới nay, nhóm “Mẹ Việt tại Úc” đã luôn thúc đẩy các hoạt động thực tế hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những phụ nữ Việt Nam bị bạo hành tại Australia.
Không những hỗ trợ về vật chất, nhóm còn phụ giúp những người gặp nạn cả về tinh thần, các vướng mắc thủ tục pháp lý, đời sống... Sự nhiệt tình của các thành viên đã được đền đáp cùng sự sẻ chia, hỗ trợ từ rất nhiều các mạnh thường quân, các luật sư, doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.
Nhờ vậy, Quỹ COVID của nhóm “Mẹ Việt tại Úc” đã được nối dài thêm bởi các chương trình liên kết khác, triển khai tại nhiều địa phương, như chương trình “Tặng gạo miễn phí” với hơn 11 tấn gạo phân phát cho người gặp khó khăn của anh N.V.Quyết tại thành phố Melbourne và Perth (bang Tây Australia), chương trình “Giúp nhau mùa dịch” với hoạt động phát khẩu trang và gạo miễn phí tới cộng đồng Việt Nam tại Sydney của Nhóm Đồng Tâm, chương trình “Tất cả vì cộng đồng” với hoạt động phát gạo và 100 chiếc khẩu trang vải tự may từ công ty H&N tại thủ đô Canberra...
Nhọc nhằn hoạt động vì cộng đồng
Tâm sự với phóng viên tại Sydney, doanh nhân Diem Kieu Fuggersberger chia sẻ ngay sau thông báo về chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế trong mùa dịch, chị đã gặp phải không ít câu hỏi vì sao không hỗ trợ cộng đồng bản địa, liệu có phải chị đang “đánh bóng tên tuổi”...
Chị nói: “Sinh viên quốc tế không có ai để dựa dẫm. Họ không được hưởng những chính sách hỗ trợ “dồi dào” của chính phủ Australia như các thường trú nhân, không việc làm, không người thân và gia đình... Một nguyên nhân sâu xa khác vì tôi cũng là một người mẹ, Tôi biết cảm giác của một người cha, người mẹ, đặc biệt là khi con cái họ ở xa. Tôi muốn giúp một tay để những người cha, người mẹ đó có thể yên tâm rằng dù ở bất cứ đâu thì con cái của họ đều được bảo bọc, hỗ trợ.”
Nếu như với doanh nhân Diem Kieu, khó khăn là những lời chỉ trích, đàm tiếu và khoảng thời gian mà chị phải chia ra cho những bộn bề công việc, các hợp đồng đối tác và gia đình, cùng hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thì với Katina Vũ khó khăn lớn nhất có lẽ nằm chính ở việc làm thế nào để hoạt động thiện nguyện thực sự minh bạch và đạt được sự đồng cảm ngay chính trong các thành viên của Nhóm và các nhà mạnh thường quân.
Chị kể mỗi bao gạo, khoản tiền nhận được chị đều phải ghi chép và công khai chi tiết. Mọi thành viên chính hoạt động cho Quỹ COVID của nhóm “Mẹ Việt tại Úc” không phải ai cũng đều “dư giả” hay được gia đình ủng hộ.
Trưởng nhóm Nguyễn Bảo Châu hiện đang phải nghỉ việc do ảnh hưởng từ lệnh “cách ly xã hội” triển khai tại Australia từ hơn một tháng nay. Bản thân chị Katina Vũ đang có con nhỏ 7 tháng tuổi cần phải chăm sóc. Có những chị tình nguyện viên phải giấu chồng, có anh đi giao đồ “cứu trợ” phải giấu vợ con...
Tất cả đều bỏ công sức vì cộng đồng, thậm chí tự chịu cả chi phí tiền xăng xe đi lại. Vậy nhưng, họ vẫn không tránh khỏi bị thắc mắc hay phải nhận những lời nói vô tâm từ chính các thành viên trong Nhóm, trên mạng xã hội.
Một điểm khó khăn khác, cũng theo chị Katina, đó là làm thế nào để có thể giúp đỡ được một cách tốt nhất những người khó khăn, mà vẫn phải đảm bảo sự tinh tế, tránh làm họ bị tổn thương.
Nhiều người thắc mắc du học sinh, những người Việt Nam sinh sống tại một quốc gia phát triển thì có khó khăn gì. Trên thực tế, các lệnh “cách ly xã hội” và đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19 đã đẩy con số người thất nghiệp tại Australia lên tới hàng nghìn trường hợp.
Khác với các công dân và thường trú nhân tại nước sở tại có sự hậu thuẫn từ nguồn trợ cấp phúc lợi xã hội, người nước ngoài và sinh viên quốc tế thường là những đối tượng không được ưu tiên bảo vệ và phải tự xoay sở để trang trải cuộc sống cá nhân. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hàng vạn các lý do khó khăn khác nhau để ý giải cho thắc mắc đó.
Chị Katina nói: “Người Việt Nam có lòng tự trọng rất cao. Đặc biệt là những người sống ở nước ngoài, họ thường ít khi mở lòng, chia sẻ. Vì thế, chúng tôi không điều tra hay phân biệt các trường hợp, những người cần giúp đỡ chỉ cần nói ngắn gọn hoàn cảnh, số lượng thành viên trong gia đình, những vật dụng đang thiếu... chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất trong khả năng có thể. Hỏi sâu quá, dễ làm họ bị tổn thương”.
Anh Minh Quân, một cựu du học sinh Việt Nam tại Canberra và hiện đang là nhân viên của công ty H&N, chia sẻ công ty mới thành lập từ tháng 6/2019, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực du lịch và vận tải.
Khủng hoảng cháy rừng tại Australia vào cuối năm 2019 đến đầu 2020, và nối tiếp ngay sau đó là đại dịch COVID-19, đã khiến công ty H&N gần như “đóng băng” mọi hoạt động. Nếu nói là khó khăn, có lẽ các thành viên của H&N cũng đều được xét vào diện “cần giúp đỡ”.
Tuy nhiên “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, giám đốc H&N đã vận động mọi thành viên của công ty dành thời gian rảnh rỗi của mình để may những chiếc khẩu trang vải tặng cho các du học sinh và kiều bào Việt Nam tại Canberra.
Anh Minh Quân cho biết để làm được 100 chiếc khẩu trang vải, với đầy đủ các tiêu chuẩn chống “giọt bắn” và có thể giặt lại, các thành viên của H&N đã phải dành tới một tuần lễ để làm việc và sau đó là một tuần lễ nữa để đem giao tới từng nhà những người có nhu cầu.
Do đặc điểm dân cư tại Canberra khá thưa thớt, mọi người thường sống rải rác và cách xa nhau hàng chục cây số, vì vậy việc di chuyển đi lại cũng tốn rất nhiều thời gian và cả chi phí.
Nhưng cho tới nay, H&N đã tự hào trao đi toàn bộ những chiếc khẩu trang “tình nghĩa”, cũng như chuẩn bị cho một hoạt động tiếp theo “phát gạo miễn phí”, với sự đóng góp và tài trợ của chị Katina Vũ và gia đình./.
(TTXVN/Vietnam+)