Thứ Sáu, 22/11/2024
Báo chí cộng đồng của bà con kiều bào trong đại dịch COVID-19

 Đại sứ quán Việt Nam tại Đức gặp mặt báo chí cộng đồng

Trong hơn 6 tháng qua, gần như cả thế giới đã phải gồng mình sống chung với đại dịch Covid-19 với bao hệ lụy khi dịch bệnh tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Nhưng trong dòng chảy với những nút thắt tạm thời tắc nghẽn đó vẫn có một dòng chảy rất thông suốt, đó chính là “tin tức”. Thậm chí trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, tin tức, báo chí, truyền thông đã trở thành một món ăn tinh thần, một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống để chúng ta vẫn “chuyển động” trong một “thế giới tĩnh”. Trong suốt nhiều tháng qua, những trang tin tức, báo chí cộng đồng của bà con kiều bào tại các nước cũng đã có thêm một “sứ mệnh” mới đó là cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh và thông tin liên quan tới Covid-19, trong đó có những đóng góp rất lớn của các “nhà báo cộng đồng”.

PHONG PHÚ CÁC TRANG TIN TỨC, BÁO CHÍ CỘNG ĐỒNG Ở NƯỚC NGOÀI

Đọc báo, lướt mạng giờ đã trở thành thói quen và nhu cầu tất yếu của con người trong nhịp sống hiện đại. Với bà con kiều bào xa quê hương, đặc biệt là với những người trung niên, cao tuổi do hạn chế về ngôn ngữ khi sinh sống tại nước ngoài nên các trang tin tức bằng tiếng Việt đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của bà con. Bên cạnh nguồn tin tức từ báo chí trong nước, nhu cầu cập nhật thông tin về cộng đồng của trên 5 triệu kiều bào trên thế giới cũng là lý do chính đáng để ra đời hàng loạt các trang tin tức tổng hợp, báo điện tử, kênh truyền hình bằng tiếng Việt dành cho kiều bào và được gọi chung là “báo chí cộng đồng”. Trong đó đông đảo nhất phải kể đến những trang tin tức, báo mạng của người Việt tại Đức như: nguoiviet.de; vietduc.de; tuoitreonline.de; huongviet.de; baoducviet.de…; hay tại các nước Đông Âu khác như: Nhịp cầu thế giới online tại Hungary; secviet.cz; Người Việt xa quê; Hương Sen tại Séc; queviet.eu tại Ba Lan; nguoivietukraina.com, kygia.net tại Ucraina…

Nội dung của các kênh tin tức, báo chí cộng đồng cũng vô cùng phong phú, cập nhật đầy đủ thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống, xã hội cả ở nước sở tại và trong nước. Nhưng một mảng thông tin đặc biệt và thiết thực hơn cả chính là “thông tin cộng đồng” với những bài viết, ảnh, phóng sự, video, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm có chủ đề gắn liền với đời sống, kinh doanh, sinh hoạt hội đoàn, giáo dục thế hệ trẻ… của bà con ta tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, hiện đang kinh doanh tại CHLB Đức, chia sẻ: “Hàng ngày trong lúc buôn bán tại chợ, khi nào vắng khách là tôi thường xem ti vi hoặc đọc báo qua ipad. Sống bên này nhiều năm nhưng vốn tiếng Đức của tôi chỉ đủ để giao tiếp chứ nghe tin tức hay xem truyền hình của họ cũng không hiểu hết được. Quan trọng là tôi muốn được nghe tiếng Việt, đọc báo, xem ti vi bằng tiếng Việt vừa dễ hiểu vừa thấy gần gũi với quê hương mình hơn”.

Nếu các trang tin tức cộng đồng online của bà con kiều bào khá phổ biến tại châu Âu thì tại một số nước như Mỹ, Canada và Australia, truyền hình hoặc các kênh youtube lại “lên ngôi” với những tên tuổi quen thuộc như: Phố Bolsa TV tại Mỹ, Met TV tại Australia… những kênh thông tin này không chỉ thu hút cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới mà còn thu hút cả người Việt ở trong nước. Một khán giả trung thành của kênh youtube Phố Bolsa TV cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều sự lựa chọn để đọc tin tức, thậm chí Facebook bây giờ thông tin còn nhanh hơn cả các kênh báo chí, nhưng để cập nhật những thông tin đa chiều và bám sát đời sống của cộng đồng người Việt tại Mỹ tôi vẫn lựa chọn các kênh như Phố Bolsa TV để theo dõi. Đôi khi đọc báo nào, xem tin tức ở đâu cũng phụ thuộc vào sở thích và gu của mỗi người, nhưng tôi thấy báo chí cộng đồng do chính bà con mình cung cấp tin bài vẫn luôn gần gũi với tôi”.

ĐIỂM HẸN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAM MÊ LÀM BÁO

“Báo chí cộng đồng là một trong những món ăn tinh thần của bà con kiều bào” là điều không thể phủ nhận. Vậy những “người đầu bếp” đã “chế biến” nên những món ăn tinh thần đó là ai? Có thể nhiều quý độc giả kiều bào cũng đã có cho mình câu trả lời khi rất nhiều trong số những người làm báo cộng đồng đều gắn bó và cộng tác với các hội đoàn người Việt của bà con ta tại các nước. Rất nhiều người trong số họ vốn không được đào tạo nghiệp vụ báo chí bài bản, phần lớn là “tay ngang”, thậm chí vừa kinh doanh vừa “viết lách”, nhưng điểm chung giữa họ chính là niềm đam mê mãnh liệt với nghề báo. Mặc dù không chức danh, không lương, cũng như phụ cấp nhưng nhiều người Việt ở trời Tây vẫn miệt mài mang đến những bài báo bổ ích, thông tin kịp thời, chương trình truyền thông sinh động về đời sống cộng đồng nơi đất khách. Cũng không thể phủ nhận, chính nhờ những bài báo, tin tức đó từ bà con mà mảng thông tin về kiều bào trên các tờ báo, truyền thông trong nước cũng được cập nhật, có thêm những góc nhìn đa chiều, ngày càng bám sát đời sống của bà con ta ở nước ngoài. Bởi vậy những người làm báo cộng đồng nơi xứ người thường được bà con gọi với cái tên thân mật là “nhà báo, phóng viên” và họ cũng đã thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình qua những đóng góp cho cộng đồng.

Khi được hỏi về động lực và những điều “được, mất” khi dấn thân vào nghề báo nơi trời Âu, ông Nguyễn Huy Thắng, Tổng biên tập baovietduc.de chia sẻ: “Tôi nghĩ được nhiều hơn mất, khi thông qua việc làm báo chúng tôi đã nhận được sự tôn trọng của bà con cộng đồng, người ta quý mến mình, theo dõi tin tức mà mình đưa lên. Một cái được nữa là thông tin các hội đoàn của cộng đồng cũng giúp bà con đoàn kết hơn, cuộc sống vui vẻ hơn. Đôi khi do cập nhật thông tin từ báo chí mà họ có thể có cách làm việc, mở cửa hàng mới hoặc có nghề kinh doanh phù hợp với thời cuộc. Còn những cái mất là sự hy sinh thời gian và công sức của mình, bởi vì ở các nước thì tôi không biết nhưng với Đức thì làm báo cộng đồng giống như người ‘vác tù và hàng tổng’, mình tự trao sứ mệnh cho mình đi phục vụ cộng đồng. Đôi khi sự hy sinh đấy mình cảm thấy tự hào!”.

“SỨ MỆNH MỚI” TRONG MÙA COVID-19

Do tác động của dịch Covid-19 mà có lẽ nửa đầu năm 2020 là quãng thời gian tình hình kinh doanh, buôn bán của bà con kiều bào tại các nước khá ảm đạm, kéo theo việc thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con gần như bị hủy bỏ. Nếu trong những năm trước, các ngày lễ như: 8/3, 1/6, Đại lễ Phật Đản… sẽ là dịp giao lưu, gặp gỡ của đông đảo bà con kiều bào, nhưng trong năm nay mọi hoạt động đều đã không được tổ chức, nếu có cũng chỉ qua hình thức trực tuyến. Bởi vậy mà đời sống tinh thần, tụ họp của bà con cũng trở nên im ắng và trầm lắng hơn.

Nhưng thay vào đó báo chí cộng đồng lại mang trong mình một “sứ mệnh cao cả” khác khi trở thành nhịp cầu nối, truyền tải thông tin, khuyến cáo về dịch bệnh Covid-19 và lan tỏa tình yêu thương, sự đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng.

Trong khi dịch bệnh hoành hành thì chính những trang báo, tin tức cộng đồng là nơi giúp bà con ta cập nhật con số bệnh nhân nhiễm Covid-19 hàng ngày, cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh cùng những khuyến cáo, biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng và hiệu quả nhất. Những chính sách về xuất nhập cảnh tại các quốc gia, thông tin bảo hộ công dân và khuyến cáo từ Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được các admin của các trang tin tức, báo chí cộng đồng cập nhật, đăng tải liên tục. “Suốt thời gian Covid-19 sáng nào việc đầu tiên của tôi khi ngủ dậy là phải vào ngay trang Quê Việt để cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là tại Ba Lan. Qua những thông tin trên báo tôi cũng hiểu hơn về tình hình của bà con trong cộng đồng các nước và những khuyến cáo của Ban Hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ba Lan phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều tin tức thế giới và tin cộng đồng để tham khảo. Thậm chí trong thời gian cách ly xã hội nhiều lúc tôi còn có cảm giác ‘đói tin’ vì cả ngày chỉ đọc báo, xem ti vi” - chị Hải Vân, kiều bào tại Ba Lan chia sẻ.

Đó là phía độc giả, khán giả, còn với những “nhà báo, phóng viên cộng đồng” thì sao? Việc vác “đồ nghề” đi tác nghiệp có lẽ là bất khả thi khi cả thế giới phải hạn chế giao tiếp, giãn cách xã hội. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, thay vì phải tác nghiệp trực tiếp, công nghệ đã “cứu cánh” cho giới truyền thông nói chung và báo chí cộng đồng nói riêng. Hình thức phỏng vấn, đưa tin online đã thực sự phát huy công dụng tối đa trong những ngày này. Chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, có lẽ mỗi người dân đều có thể trở thành những “phóng viên” hiện trường, thậm chí ngồi nhà vẫn có thể “tác nghiệp”. Thay vì đến tận các sự kiện để đưa tin, các nhà báo, phóng viên cộng đồng có thể ngồi nhà tổng hợp tin tức, phân tích, bình luận hoặc tổ chức live stream hay tọa đàm trực tuyến để tương tác với khán giả, độc giả. Đây cũng là một trong những phương thức tăng lượng truy cập cho rất nhiều trang tin tức cộng đồng của bà con kiều bào thời gian qua.

(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi