Thứ Hai, 25/11/2024
Kiều bào góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Tham dự phiên thảo luận có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của kiều bào

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với Việt Nam hiện nay và sắp tới là đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực để phát triển một nền tảng công nghệ dùng chung, các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Phó Thủ tướng cũng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của kiều bào và chuyên gia trong nước cho công tác hoạch định chính sách của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế.

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng được nghe phát biểu, chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân về vai trò ý nghĩa to lớn của việc chuyển đối số đối với nền kinh tế cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong hoàn cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Ông cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhiều bà con kiều bào, trong đó có những kiều bào đã từng gắn bó lâu năm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới  trong đó có Việt Nam nhưng tạo cho Việt Nam những cơ hội và thuận lợi như việc giảm áp lực cạnh tranh, tạo cơ hội cho các mặt hàng Việt Nam có cơ hội đến với những thị trường mới và tiềm năng.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài và những định hướng thảo luận tại Hội nghị.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập chung làm rõ ý nghĩa vai trò của việc chuyển đổi số, vì sao phải tiến hành chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ (Úc) đề xuất chúng ta cần mạnh dạn ứng dụng và thử nghiệm các công nghệ mới. Nếu chúng ta mạnh dạn áp dụng, Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi thế của cách mạng công nghệ 4.0, nhanh chóng hiện đại hóa các ngành và thúc đẩy nền kinh tế số. Ông cũng đề nghị, chúng ta cần quan tâm và đầu tư nhiều vào việc phát triển nguồn nhân lực vì người Việt Nam tiếp thu công nghệ mới rất nhanh.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương (Pháp) cho rằng, để nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo cần xây dựng hình ảnh tự hào về con người Việt Nam, thành lập sàn giao dịch quốc gia về công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò tự chủ của các trường đại học, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của chính phủ trở thành một nền tảng công nghệ có thể tương tác dễ dàng với người dân và doanh nghiệp. Đối với TP. Hồ Chí Minh, Giáo sư Khương đề xuất tăng năng xuất đổi mới sáng tạo và cần có gói chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu tham gia xây dựng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực cụ thể như y tế, giáo dục, nông nghiệp… Ngoài ra các đại biểu trong nước và ngoài nước cũng đã  trao đổi, thảo luận qua hình thức trực tiếp và trực tuyến xây dựng ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể cho quê hương Việt Nam và TP. Hồ chí Minh.

Tiếp thu triển khai các ý tưởng vào cuộc sống

Sau một ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” đã hoàn thành chương trình đề ra. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của gần 350 đại biểu và hàng trăm kiều bào tại nhiều châu lục theo dõi trực tuyến là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại hai phiên làm việc của Hội nghị, 16 tham luận và các ý kiến thảo luận của các Bộ, ngành và thành phố, các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp tại Hội nghị cũng như qua video và trực tuyến, góp ý các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế đất nước; vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm ghi nhận, đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp, trong đó có nhiều đề xuất, kiến nghị rất bổ ích và thiết thực, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như chính sách tài khóa và tiền tệ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính phủ điện tử cũng như các biện pháp phát huy nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài. Sau Hội nghị, Bộ Ngoại giao và TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh. Trước mắt, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan cùng Bộ tiếp thu và triển khai ngay những ý tưởng để đưa vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải thay đổi, phải thực hiện công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào. Tất cả phải thay đổi nếu không muốn tụt lại phía sau, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ông tin tưởng trong thời gian tới, thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và TP. Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài vì sự phát triển chung của cả nước và TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị khép lại, những ý kiến đóng góp tích cực, kịp thời, đầy tâm huyết của các đại biểu đã được đại diện Lãnh đạo cơ quan Trung ương và TP. Hồ Chí Minh lắng nghe, ghi nhận với mong muốn thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển hơn nữa, đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa nước nhà.

(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi