Ngày 20/4, tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao cùng các đối tác trong nước và quốc tế đồng tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022.
Tham dự Diễn đàn có ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia; ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Đặc biệt tham dự diễn đàn năm nay ngoài các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến thương mại, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về thương hiệu sản phẩm - doanh nghiệp, còn có sự tham dự trực tuyến của đông đảo kiều bào là chủ doanh nghiệp, nhân sĩ, trí thức ở nước ngoài.
Giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Điển hình, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance - tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia. Kết quả này có được nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Diễn đàn |
Theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, duy trì ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu GDP tăng liên tục qua các năm, thì đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.
Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm - từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể - từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Với chủ đề “Nâng tầm vị thế - Chắp cánh bay xa” của Diễn đàn cùng các nội dung được chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng kỳ vọng, các doanh nghiệp Việt Nam thấy được giá trị Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng đến việc quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các trung tâm thương mại do NVNONN làm chủ sở hữu để nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cộng đồng doanh nhân NVNONN vượt qua thách thức, đưa hàng hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, kể từ khi đổi mới kinh tế năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của toàn dân tộc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó không thể không kể đến việc quy mô của nền kinh tế ngày càng lớn, GPD tăng trưởng ấn tượng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam lớn mạnh, vươn mình ra sân chơi quốc tế. Những thành tựu hết sức to lớn của đất nước ta trong những năm qua là kết quả của việc phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó có sự đóng góp và vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu NVNONN, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng khẳng định, vai trò của doanh nhân kiều bào ngày nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối hàng năm, mà họ còn có vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới.
Cộng đồng doanh nhân VNONN với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại, và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn.
Thứ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, vui mừng chứng kiến sự phát triển không ngừng của cộng đồng NVNONN và những đóng góp của cộng đồng cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Để nhận diện thương hiệu quốc gia ở bên ngoài, theo bà Trần Tuệ Tri (kiều bào tại Singapore) - Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever, Giám đốc truyền thông Tổ chức AVSE Global, diễn giả tham dự Diễn đàn - ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng ta cần quan tâm đến mẫu mã sản phẩm, công tác quảng bá sản phẩm và đặc biệt là nắm bắt hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng. Bà cho biết, nhiều sản phẩm rất thành công ở Việt Nam nhưng ra bên ngoài không được người tiêu dùng ủng hộ. Và để thương hiệu quốc gia đến với bà con kiều bào và bạn bè quốc tế, chúng ta cần tổ chức nhiều hoạt động, diễn dàn như hôm nay để mọi người hiểu rõ hơn về đặc điểm nhận diện thương hiệu quốc gia mình để quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại Châu Âu - cho biết hiện có 80% người Việt hoạt động kinh doanh tại Đông Âu. Các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng hoá Việt Nam và châu Âu, đưa trực tiếp đến người tiêu dùng và đem vào hệ thống cung ứng của các doanh nghiệp nước sở tại. Kiều bào là nguồn cung cấp thông tin quý giá đối với doanh nghiệp trong nước, thông tin về thị trường, thị hiếu, luật pháp... để sản xuất hàng hoá đáp ứng tiêu chí vào châu Âu. Theo ông, có thể quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt Nam thông qua hệ thống trung tâm thương mại quy mô của người Việt tại các nước châu Âu như Nga, Séc, Đức, Ba Lan... Đây là địa điểm lý tưởng để đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể quảng bá sản phẩm thương hiệu thông qua các thương hiệu thành đạt của NVNONN, quảng bá thương hiệu hàng hoá thông qua các hoạt động Ngày văn hoá, thể thao của cộng đồng người Việt nước sở tại...
***
Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 là hoạt động tiếp nối Lễ Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 (diễn ra từ ngày 17-24/04/2022), với các chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, gồm: (1) Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp; (2) Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thương hiệu quốc gia thành công; (3) Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập; (4) Những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là quảng bá thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các Trung tâm thương mại của NVNONN…
Đây là hoạt động thường niên quan trọng được tổ chức nhằm tăng cường nhận biết trong đại chúng và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia; đồng thời giúp trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ/ngành triển khai. Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh vực của nền kinh tế khi chúng ta ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.
Mục tiêu của Chương trình: Xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiêu chí của Chương trình: Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong. |
|
(quehuongonline.vn)