Thứ Bảy, 23/11/2024
Tăng cường kết nối giữa kiều bào tại Thái Lan với quê hương

Đại diện các Hội đã báo cáo tình hình hoạt động thời gian qua và đề xuất một số biện pháp nhằm tiếp tục duy trì tính gắn kết trong cộng đồng và tăng cường gắn bó với quê hương của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các doanh nhân mong muốn tăng cường thúc đẩy hợp tác về kinh tế giữa cộng đồng doanh nhân kiều bào tại Thái với trong nước. 


 Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu làm việc với Hội người Việt tỉnh Udon Thani



Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có truyền thống cách mạng, luôn hướng về quê hương, đất nước. Bà con đã hội nhập tốt vào xã hội sở tại, quan hệ tốt với chính quyền và được chính quyền cũng như nhân dân Thái Lan coi trọng. Phát biểu tại buổi gặp, thay mặt Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan (Tổng hội), ông Trần Xuân Mười, Phó Chủ tịch Tổng hội nêu một số phương hướng nhằm tiếp tục phát huy những thành quả mà người Việt tại Thái đã đạt được. Theo đó, bà con mong muốn được tổ chức các đoàn cho giáo viên, học sinh về thăm quê hương để khơi dậy lòng yêu nước và gắn bó với ngôn ngữ Việt, tăng số lượng học bổng cấp cho con em kiều bào về Việt Nam học tập, xem xét chính sách cho kiều bào sở hữu bất động sản trong nước. Tiếp lời ông Trần Xuân Mười, ông Trịnh Cao Sơn, nguyên Chủ tịch Tổng hội mong muốn thế hệ kiều bào thứ ba, thứ tư tại Thái Lan có thêm điều kiện để tìm hiểu quê hương và đề nghị các cơ quan liên quan trong nước phối hợp với Bộ Giáo dục Thái Lan đưa tiếng Việt thành môn học được giảng dạy tại các trường của Thái Lan. 

Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt nêu mong muốn Chính phủ thông qua các hiệp định thương mại gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam theo đường chính ngạch; quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; mong muốn Việt Nam tổ chức các chương trình kết nối thương mại giữa doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước thông qua các hoạt động về nước tìm hiểu thị trường, thăm quan cơ sở sản xuất, chế biến. Hiện các doanh nghiệp Việt kiều trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng chưa có đầy đủ thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt kiều, doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao những thành quả thời gian qua của Tổng hội, từ khi còn là các tổ chức hội tiền thân những năm 20 của thế kỷ trước, được Bác Hồ trực tiếp thành lập, đến khi chính thức được Nhà nước Thái Lan cấp giấy phép hoạt động năm 2012 và cho đến nay, Tổng hội luôn là biểu tượng của sự đoàn kết, nhất trí của không chỉ cộng đồng người Việt tại Thái Lan mà còn là hình mẫu của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, không ngừng lớn mạnh, phát triển, thậm chí còn vươn ra tầm khu vực khi kết nghĩa với các Tổng hội ở Lào, Campuchia. Bà con không chỉ đóng góp cho quê hương Việt Nam khi đất nước kêu gọi mà còn đóng góp cho đất nước, người dân Thái Lan - quê hương thứ hai của bà con.  

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Thái Lan, là nguồn lực to lớn của đất nước, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; ghi nhận những đề xuất trên của Hiệp hội và cho biết hiện nay kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan mới đạt 18,5 tỷ USD, còn thấp so với mục tiêu 25 tỷ USD vào năm 2025; thông tin tới Hiệp hội về kết quả cuộc gặp với Quyền Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan, theo đó hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, phối hợp thúc đẩy các cặp tỉnh kết nghĩa của hai nước đưa các thỏa thuận, chương trình hợp tác vào triển khai hiệu quả, thực chất.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm dành cho doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào ở nước ngoài nhằm kết nối các doanh nghiệp; thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiều bào về trong nước tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại. Thứ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất của kiều bào để làm việc với các cơ quan nhằm hỗ trợ tối đa cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh.  

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã đến thăm bà con Việt kiều tại một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, trao đổi với lãnh đạo các địa phương có đông người Việt sinh sống như Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Udon Thani và ghi nhận đề xuất của lãnh đạo các tỉnh về tăng cường hợp tác ở cấp địa phương nhằm thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Trước đó, trong các ngày 10 và 11/5, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã đến dâng hương và thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất thế giới tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom và khu di tích Bác Hồ tại xã Noọng Ổn, tỉnh Udon Thani, thăm Chùa Khánh An và Lớp dạy học tiếng Việt tại Chùa, dâng hương bàn thờ vua Hùng, viếng mộ liệt sỹ Việt kiều ở tỉnh Udon Thani và thăm một số địa danh lịch sử tại các địa phương, tận mắt chứng kiến những tình cảm bà con Việt kiều Thái Lan dành cho Bác Hồ, cho quê hương Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị bà con tiếp tục khuyến khích thế hệ trẻ học tiếng Việt nhằm tăng tình cảm gắn bó với nguồn cội, giữ gìn và lưu truyền tiếng Việt đến các thế hệ sau. 

Cùng ngày, Thứ trưởng đã gặp gỡ, trao tặng bằng khen và quà cho các hội đoàn người Việt cùng một số kiều bào có công, kiều bào lão thành tại hai tỉnh Nakhon Phanom và Udon Thani, trao Giấy Chứng nhận cho giáo viên kiều bào Thái Lan đã tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng nhận thấy sự phát triển vững mạnh của các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Thái Lan thời gian qua, đáp ứng tốt nhu cầu của bà con trong các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt, hướng về quê hương đất nước, được chính quyền Thái đánh giá cao, đồng thời góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước./.

(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè