Thứ Hai, 7/10/2024
Tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại Séc về chính sách pháp luật quốc tịch

Tham dự sự kiện tại Hà Nội có đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan, bao gồm  Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo một số hội đoàn người Việt Nam tại Séc và các cơ quan báo chí truyền thông. Tại Cộng hòa Séc, có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Thái Xuân Dũng, cùng hơn 40 kiều bào đại diện các hội đoàn người Việt Nam trên toàn CH Séc tại 10 điểm cầu. 


 Quang cảnh buổi tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đánh giá cao việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã chủ động, kịp thời tổ chức Tọa đàm để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của kiều bào tại Séc về chính sách pháp luật quốc tịch liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ông cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần triển khai cụ thể Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của kiều bào, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, với chức năng giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sẽ tiếp thu, nghiên cứu và tham mưu kịp thời cho Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật về quốc tịch, đáp ứng hơn nữa mong muốn và nguyện vọng chính đáng của bà con.

Ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc cho biết, từ năm 2014, Cộng hoà Séc thay đổi chính sách pháp luật về quốc tịch, chuyển từ chính sách một quốc tịch sang đa quốc tịch, không buộc người nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch gốc, cho phép công dân Séc có nhiều quốc tịch. Chính vì vậy, trong cộng đồng 90 ngàn người Việt Nam định cư tại Séc, có khoảng 30 ngàn người đã có quốc tịch Séc, nhiều người trong số đó mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch Séc do trước đây đã phải thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Séc theo quy định pháp luật của Séc, con cháu của những người này cũng mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch Séc. Đây là nguyện vọng chính đáng của bà con đã được Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành điều chỉnh, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn Luật này quy định quá chặt chẽ, khó thi hành nên trên thực tế, nên số lượng người Việt Nam tại Séc được thụ hưởng chính sách này còn rất thấp.

Đại diện Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực đã thông tin đến bà con những nội dung cơ bản của Luật Quốc tịch 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 và Nghị định số 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch, phần liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài và giải thích những vấn đề mà bà con người Việt tại Séc quan tâm.

Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Séc, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, bày tỏ cảm ơn Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm với nội dung thiết thực, mang tính cấp bách, có ảnh hưởng lớn đến từng cá nhân, gia đình người Việt ở Séc cũng như sự phát triển, tương lai của cả cộng đồng. Các ý kiến phát biểu của kiều bào tập trung phản ánh các vướng mắc, khó khăn như điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam đối với thế hệ thứ 2 và 3 có huyết thống Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, cấp căn cước công dân và mã số định danh cá nhân cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, quy định về tên gọi Việt Nam... Đại diện các hội đoàn và kiều bào tại CH Séc bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật quốc tịch theo hướng khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của kiều bào, thắt chặt sợi dây liên hệ của đồng bào xa tổ quốc với đất nước thông qua quốc tịch Việt Nam, từ đó phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ kiều bào cho sự nghiệp phát triển đất nước. 

Đại diện các bộ, ban ngành tham gia tọa đàm đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đóng góp của kiều bào, cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc của kiều bào. Một số đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết có văn bản giải thích luật để bảo đảm thi hành Luật Quốc tịch nhất quán, chính xác, có tình có lý, phù hợp với chủ trương mang tính nguyên tắc “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, được ghi nhận tại các văn kiện của Đảng và Hiến pháp.

Kết thúc tọa đàm, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại diện hội đoàn người Việt Nam tại CH Séc, khẳng định việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến kiều bào để kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật liên quan đến NVNONN là công việc thường xuyên của Ủy ban. Ông cho rằng cần tiếp tục áp dụng nguyên tắc một quốc tịch "mềm dẻo" đã được quy định trong Luật quốc tịch hiện hành để giải quyết các vướng mắc kéo dài của kiều bào.  Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội và các cơ quan chức năng tổ chức các toạ đàm với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước với những đặc thù khác nhau để nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến phản ảnh và nguyện vọng của bà con, nhằm kịp thời triển khai trong năm nay kế hoạch của Chính phủ về rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV./.

PV

Gửi cho bạn bè