Thứ Bảy, 23/11/2024
Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, phát triển

 Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu

 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn báo chí để thông tin khái quát về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay; làm rõ nhiệm vụ triển khai toàn diện các mặt công tác, tập trung vào những điểm đột phá mà Kết luận 12-KL/TW và Nghị quyết 169/NQ-CP yêu cầu; đồng thời khẳng định, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào ta ở nước ngoài.  Xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn.

- Thưa Thứ trưởng Nguyễn Quang Hiệu, ông có thể cho biết về tình hình và một số đánh giá về cộng đồng NVNONN hiện nay?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Thời gian qua, tuy chịu các hệ lụy của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế xã hội và sự bất ổn chính trị ở châu Âu, cộng đồng NVNONN vẫn tiếp tục phát triển, theo chiều hướng ngày càng ổn định và hướng về quê hương, đất nước.

Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2013, đến nay có khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ở nhiều nơi đã chuyển từ “an cư” sang “lạc nghiệp” và phát triển, được chính quyền và nhân dân sở tại ghi nhận, đánh giá là một nguồn lực cho sự phát triển. Cộng đồng ngày càng tham gia sâu và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính trường sở tại. Các thế hệ con cháu kiều bào lớn lên, được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, bên cạnh đó là lượng sinh viên đi du học và ở lại lập nghiệp, đã góp phần đáng kể gia tăng thế hệ kiều bào trẻ cả về lượng và chất. Nhiều tài năng trẻ người Việt gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế.

Tuy trải qua nhiều đổi thay nhưng có hai đặc điểm tôi nghĩ không bao giờ thay đổi ở bà con kiều bào, đó là truyền thống đoàn kết và tấm lòng hướng về quê hương đất nước.

Về truyền thống đoàn kết, chúng ta có thể thấy, thông qua hàng ngàn hội đoàn của NVNONN, bà con ngày càng gắn kết chặt chẽ, chia sẻ, đùm bọc và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhu cầu kết nối của cộng đồng ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà đã vươn ra phạm vi châu lục. Liên hiệp Hội người VN toàn châu Âu hay Mạng lưới chuyên gia trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo được điều hành bởi 21 Hội Trí thức kiều bào từ 15 quốc gia… chính là các khối đoàn kết vững chắc sẽ tạo nên sức mạnh lớn cho cộng đồng NVNONN.

Gần đây nhất, khi chiến sự xảy ra tại Ucraina, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện VNONN và cơ quan trong nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, cộng đồng người VN tại các nước châu Âu đã tích cực quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm, lương thực, cung cấp chỗ ở cho hàng ngàn người VN tại Ucraina di tản sang các nước lân cận. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, các hội đoàn NVNONN như Hội Sinh viên, Hội Doanh nhân… đã tổ chức rất nhiều đợt phát động quyên góp, ủng hộ các cá nhân, gia đình gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào ta ở nước ngoài.

Về kinh tế, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, lượng kiều hối về VN năm 2021 vẫn tăng và đạt 18,1 tỷ USD. Gần 400 dự án kiều bào đầu tư tại VN với tổng vốn đăng ký hơn 1.7 tỷ USD; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân VNONN về nước thành lập [Các dự án đầu tư của kiều bào chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến chế tạo, thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, công nghệ phần mềm... Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp VNONN đã mang các dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại VN như: Techcombank, VPbank…; đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại như: VinGroup, Melinh plaza...; trong lĩnh vực khách sạn như: Furama; trong lĩnh vực sản xuất như: Eurowindow, Masan, Công ty hoá phẩm Mỹ Lan; trong lĩnh vực du lịch như tập đoàn SunGroup, Eden Dalat Resort; trong chế biến rác thải như Công ty Đa Phước...], đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong hai năm 2020 – 2021, kiều bào đóng góp 80 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật ủng hộ cho Quỹ vaccine và công tác phòng chống dịch Covid-19 ở trong nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho Trường Sa và Nhà giàn DK1 hơn 10 tỷ đồng, cùng 2 xuồng chủ quyền, hơn 3 tỷ đồng cho “Quỹ Vì biển, đảo VN” và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng.

Về tri thức, có nhiều trí thức NVNONN tham gia vào các cơ chế tư vấn của chính phủ, 17 kiều bào là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN khóa IX nhiệm kỳ 2019-2024. Các mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào không chỉ kết nối kiều bào ở nhiều nước, nhiều khu vực mà còn kết nối với các cơ quan, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu ở trong nước, tổ chức rất nhiều hoạt động, diễn đàn, hội nghị quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia NVNONN đóng góp các ý kiến, kinh nghiệm và giải pháp đối với nhiều vấn đề của địa phương và quốc gia.

Bên cạnh đó, kiều bào còn có đóng góp rất quan trọng trong việc tạo cầu nối, tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh, vị thế, uy tín của đất nước đối với sở tại nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy vậy, ở một số địa bàn, khu vực, bà con kiều bào vẫn còn nhiều khó khăn về địa vị pháp lý, quyền lợi cơ bản chưa được đảm bảo, chưa thực sự hội nhập vào xã hội sở tại, đòi hỏi sự quan tâm và chăm lo hơn nữa của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, tình trạng tội phạm người VN tại một số địa bàn gia tăng phức tạp hay vấn đề gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh thiếu niên kiều bào cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác NVNONN thời gian tới.

- Sau khi Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới ra đời, công tác này đã được triển khai như thế nào, đặc biệt là với những điểm mới của Kết luận, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới ra đời từ tháng 8/2021. Đến cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026. Hơn một năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, đặc biệt tập trung vào những điểm đột phá mà Kết luận 12 và Nghị quyết 169 yêu cầu.

Trước hết, về công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Ủy ban đã xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao (BNG); tổ chức Hội nghị quán triệt KL12 và NQ169 tới 63 tỉnh, thành, các ban, sở ngành, tổ chức chính trị xã hội trong cả nước và gần 100 cơ quan đại diện ở nước ngoài, nhằm phổ biến chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác NVNONN trong tình hình mới, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động nhất quán trong triển khai thực hiện KL12 và NQ169 giữa trung ương - địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực liên quan. Đến nay, các ban, bộ, ngành, địa phương cơ bản đã xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai KL12 và NQ169 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công tác đại đoàn kết là một trong hai đột phá mà Ủy ban tập trung triển khai sau KL12. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp xây dựng nhiều chương trình nhằm tăng cường hơn nữa đại đoàn kết dân tộc với đồng bào ở nước ngoài. Thời gian vừa qua, công tác NVNONN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và triển khai nhiều biện pháp hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo BNG đều có những hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến đóng góp và giải đáp những phản ánh của bà con; đặc biệt là việc tiếp xúc với các nhân vật từng có định kiến đã tạo hiệu ứng lan toả trong cộng đồng. Các sự kiện do Ủy ban chủ trì tổ chức thành công mang lại những ý nghĩa rất tích cực cho công tác đại đoàn kết dân tộc, gắn kết kiều bào với quê hương, như Chương trình “Xuân Quê hương 2022”, Lễ Giỗ Tổ Hùng vương, Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Chương trình Trại hè VN 2022… Nhiều kiều bào sau khi tham dự các chương trình này đã bày tỏ những cảm xúc và có những hành động thiết thực hướng về quê hương.

Song song với đó, công tác hỗ trợ cộng đồng được đẩy mạnh, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Hiện nay, BNG đang phối hợp xây dựng các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta tại địa bàn khó khăn như CPC, Ucraina… Tại CPC, các cơ quan hữu quan của ta phối hợp với phía CPC hỗ trợ cộng đồng một số vấn đề như: nâng cao địa vị pháp lý cho người gốc Việt; di dời và tái định cư người gốc Việt ở Biển Hồ và các khu vực sông, hồ của CPC; hỗ trợ người gốc Việt vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19… Tại Ucraina, BNG đã phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước, các hội đoàn ở Ucraina và một số nước lân cận để thường xuyên nắm tình hình và kịp thời sơ tán 5.200 người sang các nước lân cận, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, thu xếp cho nhiều người khác về nước trên các chuyến bay thương mại; đồng thời, hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống.

Công tác vận động, phát huy nguồn lực của NVNONN tiếp tục được chú trọng triển khai. BNG đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng đề án tăng cường phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện nay trong công tác thu hút nguồn lực của kiều bào, tạo những xung lực mới để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, tri thức của bà con, cũng như vai trò của bà con trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Hiện đang thúc đẩy hình thành Mạng lưới Chủ tịch các Hội Doanh nhân kiều bào (32 vị Chủ tịch ở 26 quốc gia) và Hội trí thức kiều bào (30 vị Chủ tịch ở 26 quốc gia); đặc biệt trong đó hình thành các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại các nước và vùng lãnh thổ (Châu Âu, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc…). Từ sau KL12, Ủy ban đã tổ chức khoảng 50 sự kiện kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Ủy ban tích cực rà soát các chính sách pháp luật đối với NVNONN; phát động chương trình khảo sát toàn diện ý kiến NVNONN về pháp luật, thủ tục hành chính liên quan; phối hợp với bộ, ngành tổ chức chuỗi tọa đàm trực tuyến để lắng nghe ý kiến của các cộng đồng có đông người VN sinh sống… Trên cơ sở đó, sẽ có các kiến nghị nhằm cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư, làm ăn, đóng góp xây dựng Tổ quốc.

Về công tác văn hóa và tiếng Việt, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Ủy ban cũng nỗ lực đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các nước có đông kiều bào. Đặc biệt, ngày 3/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án “Ngày Tôn vinh Tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”, qua đó lấy ngày 8/9 là dấu mốc quan trọng hằng năm tôn vinh sự giàu đẹp của Tiếng Việt, thúc đẩy phong trào dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Công tác thông tin đối với NVNONN được đẩy mạnh, kịp thời thông tin về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến kiều bào, qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

- Thứ trưởng có thể chia sẻ cảm nghĩ sau một thời gian đảm nhận trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN?

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Đảm nhận cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN vừa là niềm vinh dự, tự hào, nhưng đồng thời cũng là trọng trách đối với tôi.

Công tác NVNONN nhận được chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và yêu cầu sự tham gia của hầu hết các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước. BNG cũng xác định công tác NVNONN là một trong bốn nội dung trọng tâm của công tác đối ngoại. Việc triển khai hiệu quả công tác này sẽ góp phần xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, phát triển, hướng về đất nước đồng thời góp phần trực tiếp phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ khi đảm nhận vị trí này đến nay, tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều bà con ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi rất tự hào khi thấy cộng đồng ta thành đạt, phát triển, và luôn có tấm lòng hướng về quê hương nguồn cội. Tuy nhiên, tôi cũng không ít lần trăn trở khi chứng kiến những khó khăn mà bà con ở một số địa bàn đang phải đối mặt.

Tôi nghĩ, với cương vị là cơ quan quản lý nhà nước về NVNONN, thời gian tới, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ, toàn diện các mảng công tác hỗ trợ và vận động NVNONN, đồng thời cần tăng cường hơn nữa nhận thức, vai trò của các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác NVNONN nhằm tập hợp rộng rãi kiều bào ta ở nước ngoài đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp để sớm hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng và Nhà nước ta. 

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng./.

Gửi cho bạn bè