Thứ Ba, 30/4/2024
Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023

Tham dự Lễ Khai mạc, về phía Bộ Ngoại giao có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, cùng lãnh đạo Ủy ban và đại diện các đơn vị trong Ủy ban. Về phía khách mời, có Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN; bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; ông Đào Đăng Hòa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc; cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, cơ sở giáo dục liên quan. Về phía đại biểu, năm nay có hơn 60 giáo viên người Việt Nam từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tham gia Khóa tập huấn.


 Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tặng hoa cho đại diện các nước có học viên tham dự Khóa tập huấn

 

Phát biểu Khai mạc, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Lê Thị Thu Hằng thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhiệt liệt chào mừng các giáo viên NVNONN về dự Khóa tập huấn. “Dù là giáo viên không chuyên, các thầy cô vẫn duy trì dạy tiếng Việt bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng trách nhiệm của NVNONN đối với việc lưu giữ hồn cốt của dân tộc là tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam, và chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định.  

Dù các học viên của Khóa tập huấn đến từ nhiều đất nước khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin rằng các thầy cô đều có chung một tâm nguyện là trao truyền các giá trị văn hóa của quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ, để con cháu và các thế hệ NVNONN mãi về sau vẫn gìn giữ được bản sắc và tiếng nói của cha ông. Giữ được tiếng mẹ đẻ là giữ được hồn cốt của dân tộc và của người Việt Nam, là nền tảng để NVNONN có thể làm những điều lớn lao hơn phát triển bản thân và đóng góp cho đất nước.

Bà Hằng hi vọng trong hai tuần tới đây, bằng nỗ lực và trách nhiệm, tình cảm của các thầy cô giáo từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác, các giáo viên NVNONN sẽ được trang bị thêm các kỹ năng sư phạm. Những kỹ năng đó, cùng với ngọn lửa đam mê và tình yêu vốn có với nguồn cội và với tiếng Việt, mong rằng các thầy cô khi trở về sở tại sẽ tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” của mình.

Bà Hằng cũng mong rằng các hoạt động ngoại khóa trong Khóa tập huấn là cơ hội để các thầy cô tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cũng như giao lưu với các thầy cô giáo dạy tiếng Việt trong nước. “Tôi cũng mong rằng các giáo viên NVNONN, qua Khóa tập huấn, sẽ thiết lập được mạng lưới những người Việt Nam yêu tiếng Việt, dạy tiếng Việt ở các nơi trên thế giới. Trách nhiệm, tình yêu quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ là động lực bền vững giúp duy trì sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt, trao truyền giá trị văn hóa cho cộng đồng ta ở nước ngoài, một cộng đồng ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng”, bà Hằng khẳng định.  

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên NVNONN trở về từ Lào, bày tỏ niềm vui và niềm vinh dự khi được tham gia Khóa tập huấn năm nay. Chị Huyền chia sẻ: “Đối với cộng đồng NVN đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống” và “công cuộc truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ NVNONN đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng”.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền thay mặt cho hơn 60 giáo viên NVNONN tham dự Khóa tập huấn, hứa sẽ học tập thật tốt để nâng cao kiến thức cũng như nghiệp vụ giảng dạy, tiếp tục phát huy sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” góp phần gìn giữ và lan toả ngôn ngữ tiếng Việt rộng khắp trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới cũng như cộng đồng người nước ngoài yêu thích tiếng Việt. Chị Huyền cũng đại diện gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành và Ban tổ chức đã xây dựng Khóa tập huấn vô cùng ý nghĩa và thiết thực.

Chị Đào Lê Quỳnh Phan trở về từ Thái Lan chia sẻ, chị đăng ký tham gia lớp tập huấn với mong muốn sẽ học hỏi phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; cách dạy làm thế nào cho phong phú, hiệu quả giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Bởi nơi chị sinh sống có nhiều người Thái mong muốn được học tiếng Việt với mong muốn tìm hiểu văn hóa và giao thương với Việt Nam. Chị hy vọng thông qua khóa học này sẽ giúp chị có thêm nghiệp vụ chuyên môn sâu để giảng dạy tiếng Việt tại Thái tốt hơn.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2023 do Ủy ban Nhà nước NVNONN phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội. Chương trình kéo dài trong 16 ngày (từ ngày 16 - 31/8/2023) với 20 buổi học chuyên môn bao gồm 03 module: Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương và tiếng Việt; Tiếng Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam; Phương pháp dạy học tiếng Việt và kiểm tra đánh giá. Nội dung bài giảng tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ. Giảng viên giảng dạy là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong Khóa tập huấn, các giáo viên NVNONN cũng được dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; tham gia Tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc…

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Năm nay là lần thứ 09 Ủy ban Nhà nước NVNONN tổ chức chương trình này. Sau 10 năm, chương trình đã thu hút sự tham dự của hơn 800 giáo viên NVNONN./.

(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác