Thứ Hai, 30/12/2024
Tài liệu giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

1. Sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người. Vấn đề này, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Sau gần 15 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi BLGĐ đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.

Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, kết quả điều tra  cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Từ thực trạng tình hình bạo lực gia đình cho thấy, BLGĐ vẫn còn khá phổ biến không chỉ ở nhóm đối tượng là phụ nữ mà con ở người già, trẻ em và các đối tượng khác. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành là thực sự cần thiết nhằm:

- Thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

- Khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành;

- Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

2. Quan điểm, mục tiêu chính sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

2.1. Quan điểm của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Một là, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về gia đình, trực tiếp là Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII cũng đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống BLGĐ toàn diện, khả thi, có hiệu quả.

Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới; cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế trong mỗi gia đình; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Ba là, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Bốn là, kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung những vấn đề mới phát sinh.

2.2. Mục tiêu của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hướng tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

3. Bố cục, nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

3.1. Bố cục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Gồm 6 Chương, 56 Điều:

- Chương I: Những quy định chung gồm 12 Điều (Điều 1 - Điều 12);

- Chương II: Phòng ngừa bạo lực gia đình gồm 6 Điều (Điều 13 - Điều 18);

- Chương III: Bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình gồm 22 Điều (Điều 19 - Điều 41);

- Chương IV: Điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ gồm 4 Điều (Điều 42 - Điều 45);

- Chương V: Quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan tổ chức về phòng, chống BLGĐ gồm 9 Điều (Điều 46 - Điều 54);

- Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 2 Điều (Điều 55 - Điều 56).

3.2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ; điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống BLGĐ.

3.3. Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị BLGĐ, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về BLGĐ. Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương I (Những quy định chung): Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, hành vi BLGĐ; nguyên tắc phòng, chống BLGĐ; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống BLGĐ; chính sách của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ; tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ; hợp tác quốc tế về phòng, chống BLGĐ; quyền và trách nhiệm của người bị BLGĐ; trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ; trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống BLGĐ; quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống BLGĐ.

Chương II (Phòng ngừa BLGĐ): Chương này quy định về mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục; hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn về phòng, chống BLGĐ; hòa giải trong phòng, chống BLGĐ; chủ thể tiến hành hòa giải.

Chương III (Bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ): Chương này quy định về báo tin, tố giác về hành vi BLGĐ; xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ; sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi BLGĐ; biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ và bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ; buộc chấm dứt hành vi BLGĐ; yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án; giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị người bị BLGĐ; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với BLGĐ; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi BLGĐ; góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác về BLGĐ; cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ; địa chỉ tin cậy; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống BLGĐ; cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.

Chương IV (Điều kiện bảo đảm phòng, chống BLGĐ): Chương này quy định về kinh phí phòng, chống BLGĐ; cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ; phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống BLGĐ.

Chương V (Quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống BLGĐ): Chương này quy định nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế.

Chương VI (Điều khoản thi hành): Chương này quy định về việc sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ Luật Tố tụng dân sự và hiệu lực thi hành.

3.4. Những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số điểm mới tập trung vào các nội dung sau:

a) Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ là trung tâm

Sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

b) Thực hiện phòng ngừa BLGĐ, trong phòng có chống, trong chống có phòng

 Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống BLGĐ; sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi BLGĐ; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ”,  trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi BLGĐ.

c) Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục; quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi BLGĐ; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”; bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác về BLGĐ.

d) Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả

Quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ; bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống BLGĐ như quy định về kinh phí phòng, chống BLGĐ, cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ, phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống BLGĐ.

đ) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ

Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 02 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ.

4. Các điều kiện bảo đảm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cụ thể, Luật đã quy định các điều kiện sau:

- Về cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ (Điều 35).

- Bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống BLGĐ như quy định về kinh phí phòng, chống BLGĐ (Điều 42).

- Cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ (Điều 43).

- Phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ (Điều 44).

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống BLGĐ (Điều 45).

- Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ (Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54).

5. Dự báo tác động chính sách của Luật đến người dân và xã hội, những vấn đề người dân cần lưu ý khi thực hiện

Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bị bạo lực gia đình. Vì vậy làm phát sinh các chi phí chăm sóc sức khỏe do bạo lực gia đình gây ra làm thiệt hại kinh tế gia đình, kinh tế quốc gia. Mặt khác, các chi phí cơ hội như suy giảm năng suất lao động; suy giảm sức khỏe; tăng chi phí thời gian nghỉ lao động,… cũng gây ra những thiệt hại không nhỏ. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã xác định rõ hành vi bạo lực gia đình, tính chất, mức độ từng hành vi sẽ nâng cao biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn BLGĐ, giảm các chi phí khắc phục hậu quả do BLGĐ gây ra từ đó thúc đẩy kinh tế gia đình, kinh tế đất nước phát triển.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã khắc phục được những vấn đề bất cập trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), thúc đẩy công tác phòng, ngừa bạo lực gia đình, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi BLGĐ; tạo được sự đồng thuận xã hội trong phòng, chống BLGĐ từ đó ngăn ngừa sớm được những nguy cơ BLGĐ, hạn chế các vụ BLGĐ, nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Bên cạnh đó, Luật được sửa đổi phù hợp với thực trạng xã hội hiện tại, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, có biện pháp mạnh răn đe người có hành vi bạo lực, công tác hòa giải được chú trọng và nâng cao về chất lượng, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị - xã hội; tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bảo đảm an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình từ đó tạo niềm tin vào sự công bằng của pháp luật.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Đồng thời, Luật được ban hành thúc đẩy bình đẳng giới và tạo môi trường thân thiện, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

6. Triển khai hoạt động thi hành Luật; tổ chức quán triệt, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân

Ngày 12 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1529/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, theo đó Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo 02 Nghị định thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai các hoạt động phục vụ xây dựng 02 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” (Chính phủ đã ban hành ngày 01/11/2023) và Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ, trình Chính phủ tháng 10 năm 2024.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng tài liệu truyền thông, tài liệu tập huấn về phòng, chống BLGĐ; tổ chức tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi