Thứ Sáu, 19/4/2024
Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19

Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố.

Buổi lễ được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM tới 22 điểm cầu tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức.

 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi phát biểu kêu gọi toàn dân tích cực
 tham gia phòng, chống dịch Covid-19
 

 

Chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TP. HCM có hơn 10 triệu người với những giai tầng, nghề nghiệp, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cùng một mục tiêu là xây dựng thành phố phát triển vì cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, quãng thời gian giãn cách xã hội, nhất là trong 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thực sự là những ngày khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và người dân. Ai cũng phải chịu khổ cực, bất tiện, thiệt thòi trong những ngày giãn cách xã hội. Thay mặt lãnh đạo TP. HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM gửi lời tri ân đến các tầng lớp nhân dân và bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của hàng triệu công nhân, lao động tự do ngừng việc, ở trọ, không về quê.

Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TP. HCM đã vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu và với sự hỗ trợ to lớn từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, sự hiến kế và góp ý của các nhà khoa học, đến giờ này thành phố đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc kiềm chế dịch bệnh. Chúng ta đã nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và chuỗi lây nhiễm; gỡ bỏ hàng trăm khu phong tỏa; thúc đẩy phong trào “kiểm soát và giảm được vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”; tập trung đầu tư, củng cố, hoàn thiện hệ thống điều trị và đã chữa khỏi cho hơn 70.000 người; đồng thời đã tổ chức tiêm 4,5 triệu liều vaccineđạt tỷ lệ 64% số người từ 18 tuổi trở lên, cao nhất cả nước.

Với tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, thành phố đã kêu gọi và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình từ khắp nơi trong cả nước.  Thay mặt lãnh đạo TP. HCM, đồng chí Phan Văn Mãi gửi lời tri ân sâu sắc đến đồng bào thành phố luôn ủng hộ, chia sẻ, quyết tâm, đồng lòng và đồng hành trong những ngày phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra là vô cùng nặng nề, đầy thách thức, nhưng đây cũng là mong muốn chung của TPHCM. Từ đó, theo đồng chí, TP. HCM sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch; đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Để đạt được mục tiêu này, TP. HCM kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ chiến sĩ thành phố chung sức đồng lòng. Trước hết là thực hiện giãn cách triệt để, hạn chế nguồn lây. Hiện mầm bệnh còn nhiều trong cộng đồng, sự tiếp xúc gần rất nguy hiểm, nhất là với người có kháng thể yếu, người già, người có bệnh nền. Do vậy, từng người từng nhà thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách, chỉ ra đường trong những trường hợp hết sức cần thiết, luôn tuân thủ 5K. Đối với bà con trong khu cách ly, khu phong tỏa tiếp tục thực hiện triệt để “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ tập trung chăm lo thực hiện tốt đời sống người dânthành phốTrong những ngày tiếp tục giãn cách sắp tới, đồng bào thành phố nói chung, bà con lao động nghèo nói riêng sẽ phải chịu nhiều thiếu thốn, khó khăn thêm nữa. Thành phố cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân.

Đồng thời, TP. HCM phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi thành phố chuyển sang bình thường mới. Việc đưa vào hoạt động của Trung tâm an sinh xã hội cũng nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba, theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP. HCM tập trung chiến lược điều trị hiệu quả, giảm tử vong. Với sự hỗ trợ của Trung ương, TP. HCM đã hoàn thiện trung tâm hồi sức quốc gia, tiếp tục trang bị ô-xy và các thiết bị y tế cần thiết khác đến các bệnh viện quận huyện, bệnh viện dã chiến. Đồng thời triển khai đồng bộ chương trình chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà với sự tham gia của mạng lưới thầy thuốc đầu ngành của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, các tình nguyện viên cả nước, TPHCM.

Nhiệm vụ thứ tư được đồng chí nhấn mạnh là TP. HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, để sớm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Theo đồng chí, việc bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. Mặc dù thành phố đã chủ động tìm mua vaccine từ sớm và được Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung. Vì vậy, cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vaccine hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vaccine. Ngay khi đã tiêm vaccine tỷ lệ cao, việc thực hiện 5k vẫn là quyết định trong tình hình mới.

Từ đó, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí tha thiết kêu gọi toàn thể đồng bào, nhân thành phố cùng siết chặt tay, cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để chống dịch, “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để chống dịch và chiến thắng. “Chúng ta tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, đẩy lùi trong thời gian không xa và “Chiến thắng thuộc về nhân dân TP. HCM” – đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.

“Một ngày không xa TPHCM sẽ khỏe lại”

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của TP. HCM vào cuộc với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát dịch; chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân; không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm An sinh TP. HCM) được thành lập nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM với tất cả sự cố gắng không để người lao động mất việc làm lâm vào khó khăn cùng cực.

Đồng chí Tô Thị Bích Châu cho hay, với vai trò là cơ quan thường trực của Trung tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM sẽ tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan để vận hành hoạt động của trung tâm hiệu quả. Từ đó, kịp thời chăm lo, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân.

Đồng thời, phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn lực xã hội, sớm triển khai các gói an sinh xã hội. Qua đó, giúp người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và những người khó khăn bảo đảm cuộc sống cơ bản cho đến khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM, đồng chí Tô Thị Bích Châu kêu gọi nhân dân TP. HCM tiếp tục đồng lòng, chung sức trong phòng, chống dịch, chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ 5K. 

Cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, đoàn thể, đoàn viên, hội viên ở từng địa bàn khu phố, các tổ Covid cộng đồng phát huy vai trò nòng cốt trong việc động viên nhân dân tuân thủ thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch. Lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu chống dịch tiếp tục vững tâm trên mặt trận chống dịch, để bảo vệ, sức khỏe, tính mạng nhân dân. Các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế… đồng hành cùng TP. HCM trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch của TP. HCM với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng. 

Ngay sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại điểm cầu chính và 22 điểm cầu địa phương sẽ đi thăm, động viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; thăm các chốt bảo vệ vùng xanh.

Thời gian qua, TP. HCM đã tiếp nhận kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 3.120 tỷ đồng. Đến nay đã phân phối tiền, hàng trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Về ủng hộ mua vaccine phòng dịch Covid-19, TP. HCM tiếp nhận ủng hộ hơn 2.300 tỷ đồng; trong đó có 300 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tặng vaccine cho TP. HCM. TP. HCM triển khai các gói an sinh xã hội bảo đảm đến tận các hộ dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, TP. HCM thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng; thành lập đội phản ứng nhanh để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tích cực giải quyết các chế độ chính sách, chăm lo các gói an sinh xã hội.

(sggp.org.vn)

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất