Thứ Sáu, 26/4/2024
Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng phải có phương án phòng, chống dịch Covid-19
Lực lượng tự quản tại chợ Bách Khoa (Hà Nội) nhắc nhở người dân và tiểu thương thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng. Theo hướng dẫn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị này phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch để người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ; có biện pháp kiểm soát mật độ người bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở phải thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... và cán bộ y tế phụ trách địa bàn. Đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị... đưa người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc Covid-19 đến cơ sở y tế. Đồng thời, khi phát hiện có người nghi nhiễm phải lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại chỗ khi cơ quan y tế yêu cầu…

Trao đổi thông tin với báo chí sáng 8/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, với số lượng vắc-xin đã đăng ký cung ứng thông qua nhiều nguồn khác, Việt Nam có đủ vắc-xin phòng Covid-19 tiêm hai mũi cho người 18 tuổi trở lên, cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và đủ mũi nhắc lại cho người trưởng thành. Đến nay tỷ lệ tiêm mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên đạt khoảng 97%, tỷ lệ tiêm mũi hai là khoảng 70% và khoảng 5 triệu trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm mũi một. Bộ Y tế phấn đấu trong năm 2021 cơ bản tiêm xong mũi hai cho người trưởng thành và bước sang năm 2022 sẽ tập trung tiêm nhắc lại cho người trưởng thành, tiêm vét cho các đối tượng trước đó trì hoãn tiêm. Phấn đấu đến giữa năm sau, tiêm xong vắc-xin mũi nhắc lại. Song song với đó là đẩy nhanh tiêm đủ hai mũi cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đồng thời tiếp tục lắng nghe và tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất, cung ứng vắc-xin để có vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tiêm vắc-xin mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 96,62%, tiêm mũi hai đạt 89,67%; tiêm vắc-xin mũi một cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ 91,20%.

Đến ngày 8/12, tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 96% số dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19 và tiêm đủ hai mũi đạt hơn 86%.

Ngày 8/12, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch “Bảo vệ người  thuộc nhóm nguy cơ” với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Những hoạt động thực hiện trong chiến dịch gồm: Tổ chức khảo sát, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi, người có bệnh nền) trên địa bàn; dự trù sinh phẩm xét nghiệm, vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng trong chiến dịch; triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều, tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại; ưu tiên cấp thuốc kháng vi-rút cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ để kịp thời cho người bệnh sử dụng ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính… Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, thành phố sẽ tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Chiến dịch sẽ kéo dài đến hết năm 2022 và sẽ mở rộng đến nhóm 50 tuổi.

(nhandan.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất