Tính đến tối 16/2 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có 69.278 trường hợp mắc COVID-19 (nCoV), trong đó có 1.670 ca tử vong và 9.467 ca phục hồi.
Ngày 16/2, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) tại vùng lãnh thổ này.
Trường hợp tử vong là một người đàn ông ở độ tuổi 60, không rời khỏi Đài Loan trong thời gian gần đây. Bệnh nhân này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường và viêm gan B. Cho đến nay, vùng lãnh thổ Đài Loan đã phát hiện 20 trường hợp dương tính với virus COVID-19 .
|
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19
tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, ngày 30/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Đây là trường hợp tử vong thứ 5 trên thế giới, ngoài Trung Quốc đại lục, liên quan đến virus COVID-19 . Trước đó, các trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận tại Phillipines, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Pháp. Tính đến tối 16/2 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có 69.278 trường hợp nhiễm virus COVID-19, trong đó có 1.670 ca tử vong và 9.467 ca phục hồi.
Theo thông báo trước đó của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đến hết ngày 15/2, tại Trung Quốc đại lục đã có có tổng cộng 68.500 trường hợp nhiễm COVID-19 , với 1.665 ca tử vong. Riêng tỉnh Hồ Bắc có thêm 1.843 ca nhiễm mới, trong đó thành phố Vũ Hán 1.548 ca.
Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục tính theo ngày đã giảm ngày thứ ba liên tiếp, và số trường hợp nhiễm mới bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã giảm ngày thứ 12 liên tiếp. Đến hết ngày 15/2, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 9.419 bệnh nhân COVID-19 (nCoV) khỏi bệnh và được xuất viện.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc ngày 16/2 thông báo áp đặt lệnh cấm các phương tiện giao thông đi lại trên toàn tỉnh này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lệnh cấm được áp dụng đối với tất cả các phương tiện giao thông ngoại trừ xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chở hàng hóa thiết yếu, hoặc các phương tiện công cộng.
Nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra y tế định kỳ đối với tất cả người dân trên địa bàn tỉnh này. Ngoài ra, các công ty không được phép hoạt động trở lại trừ khi được sự cho phép của chính phủ.
Cùng ngày, Hàn Quốc cho biết sẽ đưa các công dân nước này bị mắc kẹt trên tàu du lịch Diamond Princess, đang trong thời gian cách ly ở cảng Yokohama của Nhật Bản, về nước.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết Chính phủ Hàn Quốc dự định đưa các công dân trên tàu Diamond Princess về nước, trong đó có 9 hành khách và 5 thủy thủ đoàn, nếu họ phản ứng âm tính với virus COVID-19 và sẵn sàng trở về nhà.
Tàu Diamond Princess, với hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn, đang tham gia bị cách ly ở cảng Yokohama từ ngày 3/2 vừa qua sau khi phát hiện một hành khách có các triệu chứng lây nhiễm COVID-19 . Mỹ mới đây thông báo sẽ điều máy bay tới để đưa công dân nước này trên tàu về nước.
Trong khi đó, một công dân Mỹ 83 tuổi từng đi trên tàu MS Westerdam đã phản ứng dương tính với COVID-19 trong lần xét nghiệm ở Kuala Lumpur, Malaysia. Giới chức Malaysia cho biết bệnh nhân trên tới nước này từ Campuchia, là hành khách đầu tiên trên tàu MS Westerdam dương tính với COVID-19 khi tiến hành xét nghiệm lần đầu tiên vào tối 15/2 vừa qua.
Tuy nhiên, nhà điều hành tàu MS Westerdam đã đề nghị tiến hành thêm các xét nghiệm với bệnh nhân này. Nhà chức trách Campuchia cũng yêu cầu phía Malaysia xem xét lại kết quả xét nghiệm. Chồng của bệnh nhân này cũng đã tiến hành xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Sau khi có đề nghị của Campuchia, Malaysia khẳng định chẩn đoán nữ bệnh nhân cao tuổi người Mỹ từ tàu Westerdam nhiễm virus COVID-19 là chính xác sau hai lần xét nghiệm, bất chấp việc toàn bộ hành khách trên con tàu này đều được khẳng định là không có vấn đề gì về sức khỏe khi họ rời Campuchia.
Liên quan tới công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, Hải quân Hoàng gia Thái Lan tối 15/2 đã đưa 21 ngư dân trên 4 chiếc tàu đánh cá của Việt Nam về tỉnh Songkhla để tiến hành cách ly.
Báo The Nation cho biết một nhóm nhân viên y tế của Bệnh viện Hải quân Songkhla đã khám sàng lọc tất cả các thành viên thủy thủ đoàn sau khi có thông tin cho rằng những người Việt Nam này đã tới Trung Quốc trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 (nCoV). Kết quả cho thấy 16 ngư dân không có bất cứ triệu chứng nào của nhiễm virus COVID-19 , trong khi tình hình sức khỏe của 5 người còn lại chưa được xác nhận.
Cũng trong ngày 16/2, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định cho phép một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) tại Tokyo tiến hành thử nghiệm lâm sàng việc sử dụng thuốc điều trị HIV để chữa trị cho các bệnh nhân của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).
Trước đó, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác đã công bố rằng triệu chứng của bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 đã được cải thiện sau khi họ được dùng thuốc điều trị HIV. Tại Nhật Bản, khi sử dụng thuốc điều trị HIV để chữa trị cho một bệnh nhân vào tháng trước, các triệu chứng đã đỡ hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu thuốc có giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân không. Vì vậy, MHLW đã quyết định sẽ xác nhận tính hiệu quả và an toàn của thuốc điều trị HIV đối với các bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 .
(TTXVN)