Thứ Sáu, 17/1/2025
Hỗ trợ người nghèo, người mất việc… do ảnh hưởng của dịch bệnh
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.


Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động (NLĐ), người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu. Tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đây là nội dung rất cần thiết phải thảo luận để đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-4 để Chính phủ có Nghị quyết thông qua, làm cơ sở cho việc xử lý nhanh, kịp thời và chính xác hơn, hỗ trợ cho các đối tượng vừa nêu. Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong bối cảnh hiện nay.

Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết về gói hỗ trợ này, Thủ tướng cho rằng, cần trả lời ba câu hỏi, trước hết là xác định rõ đối tượng, ai cần hỗ trợ. Thủ tướng yêu cầu phải đủ năm nhóm đối tượng: người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội (BTXH); NLĐ theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; NLĐ tự do mất việc.

Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan. Thứ hai là cần xác định chính xác mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ cho từng loại đối tượng. Thứ ba là xác định rõ nguồn hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định.

Theo Thủ tướng, nguồn chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước (NSNN) trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cũng như từ DN. Việc hỗ trợ bảo đảm bốn nguyên tắc; thứ nhất là hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 làm giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm. Thứ hai, hỗ trợ theo nguyên tắc chia sẻ cả NLĐ, người dân, DN chịu ảnh hưởng và Nhà nước cùng chia sẻ để bảo đảm mức sống cơ bản tối thiểu, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phân bổ phù hợp ngân sách T.Ư và địa phương. Thứ ba, chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm xác định đúng đối tượng hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại. Thủ tướng yêu cầu khoản tiền hỗ trợ này phải đến tay NLĐ. Thứ tư, DN có trách nhiệm với xã hội và người dân, có trách nhiệm giữ NLĐ.

ại cuộc họp, Thủ tướng cũng cho ý kiến về các mức hỗ trợ trực tiếp, thời gian hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng để đưa ra phiên họp Chính phủ như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng BTXH và người có công, NLĐ có hợp đồng lao động với DN, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn nhất phải dừng kinh doanh, NLĐ tự do, không có việc làm… với tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 28 nghìn đến 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách T.Ư và địa phương.

Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ trong ba tháng 4, 5 và 6. Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng BTXH, người có công với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng.

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ cho tất cả các đối tượng BTXH, người có công. Nguồn hỗ trợ cả ngân sách T.Ư và địa phương. Hỗ trợ NLĐ có hợp đồng làm việc với DN nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho ba tháng 4,5 và 6. Thủ tướng yêu cầu các DN phải bảo đảm nguồn cùng chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hàng tháng. Nếu DN không đủ nguồn để chi trả tối thiểu 50% lương tối thiểu cho lao động thì thực hiện vay Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam. Không để NLĐ trực tiếp vay ngân hàng.

Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do Covid-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong ba tháng 4,5 và 6. Hỗ trợ NLĐ tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong ba tháng 4,5 và 6. Chủ tịch UBND các địa phương phải xác định rõ đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, không được gian dối, trục lợi.

Bảo đảm lương thực cho 100 triệu dân

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ về về bảo đảm an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình hiện nay có ý nghĩa quan trọng; nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân, xuất khẩu, bảo đảm trồng rừng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra trong toàn cầu. Đối với trong nước, không chỉ bảo đảm số lượng, chất lượng, mà còn giá cả cho nông dân, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cấm đầu cơ, tích trữ, nâng giá.

Thủ tướng nêu rõ, việc xuất khẩu gạo là cần thiết vì đây là thế mạnh của nước ta, nhưng trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu gạo phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực trên tinh thần thực hiện tốt Nghị định 107 của Chính phủ, tránh việc thao túng giá và bảo đảm quyền lợi của nông dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các cơ quan, địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực để các vu miền có lúa nước bảo đảm cân đối lương thực; các vùng có giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao thì đẩy mạnh xuất khẩu chứ không phải “bế quan toả cảng”. Bộ NN-PTNT bảo đảm sản lượng, chất lượng, thời vụ. Các cấp, ngành liên quan đều phải đẩy mạnh xử lý đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái phép. Bộ Công thương điều hành chặt chẽ, có kiểm soát thị trường để bảo đảm nguồn lương thực.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công thương có ý kiến chính thức bằng văn bản, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan cũng có ý kiến chính thức về xuất khẩu gạo hiện nay. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Công thương ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5-4 trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190 nghìn tấn gạo, 90 nghìn tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng theo yêu cầu đột xuất, cấp bách.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất