Chủ Nhật, 15/12/2024
Thủ tướng: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch



Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, 6/4, về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cho biết những ngày qua, chúng ta có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực, nhiều người ca ngợi trình độ của y tế Việt Nam, Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin, những người ở tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng cũng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh.

Thủ tướng biểu dương tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người khó khăn.

Kết quả này là sức mạnh của tinh thần trên dưới một lòng, anh em đồng chí đoàn kết, người dân góp công, góp sức cùng Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đây là thử thách rất lớn để đất nước ta có thể làm được những việc lớn hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới. Dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương mà các ý kiến tại cuộc họp cũng như các thành phố lớn đều thống nhất là cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.

Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.

Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở TPHCM và Hà Nội.

Thủ tướng cũng lưu ý việc tập trung đông người ở nơi thờ tự, tôn giáo có thể là nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng, phải chủ động ngăn chặn để tránh lây lan.

Phải chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống.

Các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. “Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân”. Thủ tướng nói, nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

Các địa phương có dịch xuất hiện thì cần đẩy mạnh xét nghiệm sớm nhất cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, lượng công nhân đi làm đông, cần thực hiện nghiêm việc ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng này, bảo đảm đầy đủ dụng cụ phòng hộ, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Theo Thủ tướng, máy thở là thiết bị quan trọng trong điều trị bệnh về phổi nói chung và đặc biệt COVID-19, cho nên, Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở. Đến thời điểm này 2 đơn vị rất nhiệt tình là Tập đoàn Vingroup và một cơ sở sản xuất ở Bình Dương. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh máy thở.

Thủ tướng nêu rõ, báo chí truyền thông phải trở thành kênh đào tạo cho người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình. Báo chí cũng cần phản ánh những giá trị ưu việt của chế độ ta, giá trị nhân văn của xã hội ta trong những tình huống khẩn cấp bảo vệ người dân. “Nhân đây tôi cũng nhấn mạnh một ý, phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những phóng viên chiến trường, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế phải quan tâm tạo điều kiện bảo vệ anh em không bị phơi nhiễm dịch”.

Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn cầu trong phòng chống dịch, các quốc gia có dịch COVID-19 đều khó khăn, cho nên sự giúp đỡ nhau lúc này rất có ý nghĩa. Việt Nam có thể xuất khẩu khẩu trang vải, xuất khẩu gạo có kiểm soát, phổ biến các phần mềm chống dịch cho các nước có nhu cầu. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thúc đẩy xuất khẩu, hợp tác với các nước có nhu cầu trong thời điểm hiện nay.

Những tiến bộ trong chống dịch đang diễn ra từng ngày. Các kinh nghiệm tốt, nghiên cứu mới, công nghệ mới, xét nghiệm mới, thuốc mới, tiến bộ mới trong điều chế vaccine... chúng ta phải biết tận dụng. Cần thành lập một bộ phận chuyên gia ở Bộ Y tế để theo dõi, phân tích thông tin, đề xuất Ban chỉ đạo và Chính phủ về vấn đề này.

Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao, các cơ quan có liên quan cần có kế hoạch sớm nhất đón các công dân Việt Nam còn mắc kẹt ở một số sân bay về nước.

Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc, cần quan tâm đến người nghèo, người khó khăn. Chúng ta cần phải biết được khó khăn của người dân bằng nhiều kênh, nhiều cách khác nhau để có sự hỗ trợ kịp thời.

Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng cũng có những cơ hội, cần tập trung khai thác, đó là đổi mới phương thức hoạt động, những ngành công nghiệp và dịch vụ mới, có thể đó là những quyết định mạnh mẽ cho những vấn đề mà bấy lâu nay ta đang cân nhắc, có thể là những thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, các cơ quan liên quan có đề xuất cụ thể với Thủ tướng.

Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất