Chủ Nhật, 15/12/2024
TP. Hồ Chí Minh: Phòng chống dịch với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân

Toàn cảnh buổi họp báo


Lượng hàng cung ứng tăng, sức mua giảm

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, lượng hàng về TPHCM ngày một tăng lên với mức 5%/ngày. Sức mua trên thị trường giảm, lượng người mua sắm ở chợ, siêu thị giảm hẳn, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài.

“Lượng hàng cung ứng tăng lên, trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, nên tình hình tương đối ổn định. Khó khăn trong vận chuyển hàng hóa về TPHCM đến nay cơ bản được giải quyết và không còn nhận được phản ánh từ các đơn vị phân phối, cung cấp”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động tiếp tục tăng, ngày 20-7 còn 33 chợ hoạt động, đến ngày 21-7 còn 32 chợ. Có 1 siêu thị tạm ngưng hoạt động, tổng là 9/106 siêu thị tạm ngừng hoạt động. Cửa hàng tiện lợi có 9 cửa hàng tạm ngưng hoạt động, 4 cửa hàng được mở lại, đưa tổng số cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động đến nay là 120/2.895 cửa hàng tiện lợi.

Vừa qua, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã cử tổ công tác vào TPHCM để hỗ trợ tìm kiếm nguồn hàng và cung ứng hàng hóa. Sở Công thương đã làm việc với tổ công tác này, đăng ký nhu cầu các mặt hàng cần thiết có khả năng thiếu như rau củ, trứng,…

Liên quan đến chủ trương mở lại các điểm bán thực phẩm tươi sống thiết yếu nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại các chợ, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, ngành công thương đã có phương án, hướng dẫn cụ thể; nhưng do tình hình hiện nay khả năng lây lan vẫn còn cao, nên tùy địa phương theo dõi quyết định chính thức về hoạt động của các chợ truyền thống, với nguyên tắc nếu duy trì phải đảm bảo được an toàn phòng chống dịch.

Việc mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm, TPHCM yêu cầu quận huyện xây dựng phương án, gửi về Sở Công thương chậm nhất 23-7.  

Cách ly F1 tại nhà là chủ trương đúng đắn, kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện TP có 35 bệnh viện điều trị Covid-19, hiện đang xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến và chuyển bệnh viện không chuyên thành bệnh viện điều trị Covid-19 với tổng cộng hơn 59.000 giường.

Số bệnh nhân xuất viện trong mấy ngày qua là 4.837 trường hợp và dự báo trong những ngày tới số xuất viện cũng tăng lên khoảng hơn 1.000 ca/ngày. Với hơn 35.000 ca trong tổng số hơn 59.000 giường, số giường vẫn đảm bảo việc thu dung điều trị trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp hơn.

Liên quan đến việc cách ly F1 tại nhà, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Bộ Y tế đã hướng dẫn, TPHCM đang triển khai thí điểm ở một số quận huyện, được người dân quan tâm ủng hộ. Hiện HCDC đã có hướng dẫn cho các quận huyện.

UBND TPHCM cũng đã giao Sở TT-TT xây dựng phần mềm giám sát sự tuân thủ của người được cách ly. Có công cụ này, việc giám sát sẽ thuận tiện hơn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Về rút ngắn thời gian điều trị của F0, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng lưu ý điều kiện F0 không triệu chứng, không kèm bệnh lý nền hoặc có nhưng đã được điều trị ổn định. F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, nếu xét nghiệm có lượng virus thấp (chỉ số CT > 30) cộng với các điều kiện chặt chẽ khác của ngành y tế, F0 mới được cách ly tập trung tại địa phương, hoặc cách ly tại nhà.

Lý giải vì sao TPHCM áp dụng cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0, phải chăng do ngành y tế quá tải, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, theo kinh nghiệm từ các quốc gia khi số ca dương tính ở một quốc gia tăng lên nhanh sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là kiềm chế sự lây lan để giảm áp lực cho ngành y tế, bởi nếu vượt qua sức chịu đựng của ngành y tế thì tình hình sẽ rất căng thẳng.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC, việc cách ly F1 tại nhà là chủ trương đúng đắn, kịp thời của ngành y tế. Hiện TP đã có 15 quận huyện đang triển khai cách ly F1 tại nhà. HCDC đã soạn thảo và đang hoàn chỉnh các tài liệu cung cấp cho F1 cách ly tại nhà, trong đó hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu để phát cho các F1 thực hiện. T

Trong khu công nghiệp, khu chế xuất, ngày 21-7 có 10 ca mắc Covid-19, trong đó khu chế xuất Tân Thuận có 6 ca. Có thể thấy khi áp dụng chủ trương “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”, số ca mắc giảm mạnh, dù còn khá sớm để kết luận điều gì nhưng là tín hiệu đáng mừng.

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm phòng chống dịch

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương cho biết, bên cạnh kết quả xử lý vi phạm của Công an TPHCM, UBND 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã lập 1.186 đoàn kiểm tra, xử phạt 5.582 trường hợp, với số tiền 14,5 tỷ đồng.

Liên quan đến việc TPHCM tập trung xử lý những đối tượng cố tình tung tin gây rối, xuyên tạc kích động làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức cá nhân, công tác phòng chống dịch của TPHCM. Điển hình như chiều 19-7, trên mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh người đàn ông tự thiêu ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Cơ quan công an đã làm việc với Phan Hữu Điệp Anh, sinh năm 1961 ngụ phường 19, quận Bình Thạnh đã có hành vi đăng tin xuyên tạc trên facebook cá nhân gây hoang mang cho người dân TP, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Điều tra thêm các nội dung thông tin trên trang Facebook của Phan Hữu Điệp Anh, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều tin bài mang tính chất chống phá, nên đang tập hợp chứng cứ, thẩm định và xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với Phan Vũ Điệp Anh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài Phan Hữu Điệp Anh, cơ quan chức năng của TPHCM đã nhận định, xác minh nhiều tài khoản mạng xã hội khác tại TPHCM cố tình đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch.

Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến cho biết trong giai đoạn gần đây, tình hình an ninh trật tự đảm bảo ổn định, phạm pháp hình sự giảm rõ rệt, hầu hết các vụ được khám phá kịp thời. An toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được kiềm chế.

Về việc tổ chức các chốt, trạm phòng chống dịch, Công an TPHCM duy trì 12 chốt cấp TP, 315 chốt trạm ở quận huyện và TP Thủ Đức, trong đó có bố trí thêm hơn 600 tổ tuần tra kiểm soát cơ động phòng chống dịch.

Từ ngày 9/7 đến 12 giờ ngày 21/7, các chốt trạm đã kiểm soát 1,3 triệu lượt phương tiện, trên 1,5 triệu lượt người, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt vi phạm với gần 4.500 trường hợp với số tiền gần 10 tỷ đồng. Mỗi ngày một chốt kiểm soát trên dưới 60.000 phương tiện, bình quân xử phạt 500 trường hợp/ngày với số tiền phạt trên 500 triệu đồng.

Ngoài xử lý, Công an TPHCM cũng nhắc nhở một số trường hợp vi phạm (nhắc nhở khoảng 500 trường hợp/ngày). Tới đây Công an TP tăng cường lực lượng phối hợp với các địa phương để kiểm tra giám sát thực hiện quy định về giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu phong tỏa, cách ly để đảm bảo người cách ly với người, nhà cách ly với nhà.


(sggp.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất