Chủ Nhật, 22/12/2024
Cán bộ Hội Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh bận rộn “đi chợ hộ”

Liên tục nhận điện thoại, tin nhắn

Với việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 23/8, nhu cầu được"đi chợ hộ" của người dân TP. HCM tăng lên. Số đơn hàng dồn dập được gửi tới đồng nghĩa với việc cán bộ Hội ở cơ sở cũng vất vả hơn.

"Trước mắt, ở phường có 3 cán bộ Hội phụ nữ và 9 bộ đội làm nhiệm vụ đi chợ hộ. Trước đây, người dân có nhu cầu mua hàng thì nhắn tin trên Facebook hoặc số điện thoại của chi hội trưởng hội phụ nữ. Hiện nay, phường đã lập kênh riêng với số hotline chỉ dành để nhận đơn hàng đi chợ hộ. Trước đây, các chị ứng tiền mua hàng và thu lại sau nhưng bây giờ mọi người buộc phải chuyển khoản trước. Tùy các tình huống phát sinh mà chúng tôi sẽ linh hoạt xử lý thêm. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức và giải quyết dần các đơn hàng", chị Nguyễn Thị Ngọc Linh cho hay.

Trước ngày 23/8, mô hình "Đi chợ hộ" ra đời là giải pháp của Hội LHPN TP. HCM nhằm giúp người dân hạn chế ra ngoài. Đối tượng hướng đến chủ yếu là người dân khu vực phong tỏa, khu cách ly, người già, người neo đơn, người khuyết tật... Còn hiện nay, đối tượng đi chợ hộ là tất cả mọi người.

Theo nhiều cán bộ Hội trên địa bàn thành phố, số lượng đơn hàng từ người dân gửi đến tăng đột biến. Hội LHPN phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) mỗi ngày nhận từ 300-400 cuộc điện thoại nhờ đi chợ hộ. Còn Hội LHPN phường An Phú (Thủ Đức) nhận gần 1.000 đơn hàng; phường 13 (quận 6) gần 500 đơn hàng...

Chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 (quận Tân Bình, TP. HCM) cho biết: "Tại phường của tôi, trong ngày đầu đơn hàng chưa nhiều bằng ngày thứ 2. Bởi vì, nhiều người dân cũng đã chuẩn bị từ trước. Thời gian tới, khi thực phẩm dự trữ hết dần thì đơn hàng đi chợ hộ có thể còn tăng rất nhiều".

 
Chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 (quận Tân Bình, TP. HCM), đi chợ giúp dân 


Cung cấp thực phẩm theo combo

Công tác đi chợ giúp dân hiện nay đặt ra nhiều thách thức với cán bộ Hội trên địa bàn thành phố. Về nhân lực, số lượng cán bộ Hội cơ sở còn mỏng, phải tăng cường phối hợp với Đoàn thanh niên, lực lượng quân đội. Về hàng hóa, nhiều siêu thị bị "cháy hàng". Mỗi đơn hàng có nhiều món nhỏ lẻ nên việc đi chợ không thể đáp ứng được đầy đủ. Chưa kể, quá trình di chuyển phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục giấy tờ để xuất trình ở các chốt, phải thực hiện nghiêm quy định người tham gia giao thông trong thời gian thực hiện giãn cách.

Tại phường 6 (quận Tân Bình, TP. HCM), để phục vụ cho nhu cầu đi chợ của người dân, Hội LHPN phường đang liên hệ với công ty cung cấp thực phẩm bán hàng theo combo. Theo đó, người dân sẽ đăng ký mua hàng theo combo định sẵn và nộp lại theo từng tổ dân phố. Phía công ty sẽ nhận danh sách và tự đóng gói gửi xuống Hội. Hội sẽ phối hợp cùng các đoàn thể khác vận chuyển đến từng nhà dân.

Việc đảm bảo an toàn cho những cán bộ Hội cơ sở tham gia đi chợp giúp dân cũng là vấn đề đặt ra. Bà Cổ Tấn Mỹ Dung, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP. HCM, cho biết: "Để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch, cán bộ Hội cơ sở đã được huấn luyện phòng dịch. Các chị được trang bị đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn, khẩu trang. Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã gửi khẩu trang N95, đồ bảo hộ xuống cơ sở. Phía Hội LHPN các quận, huyện, thành phố trên địa bàn cũng vận động thêm khẩu trang, nước sát khuẩn để trang bị cho cán bộ Hội cơ sở. Việc tuân thủ nguyên tắc 5K luôn được thực hiện. Công việc tiếp xúc nhiều người như vậy cũng nguy hiểm, nhiều chị đã trở thành F0. Tuy nhiên, khi khỏe lại, các chị tiếp tục tham gia hỗ trợ người dân".

(phunuvietnam.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất