Thứ Tư, 15/1/2025
Chuyên gia, nhà khoa học bàn biện pháp chống dịch COVID-19 trong tình hình mới


Cuộc làm việc có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Tại cuộc làm việc, các ý kiến nhận định, tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới hiện nay đã có những diễn biến rất khác. Những nước đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 rất cao, nhưng vẫn ghi nhận các đợt lây nhiễm trở lại với số ca tử vong đáng kể. Điều này đặt ra cho các nước chưa có nhiều vaccine để tiêm những khó khăn mới.

Trong khi đó, ở trong nước, dịch bệnh đã nhiễm rất sâu và nặng ở TPHCM và một phần các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố khác, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự điều chỉnh chiến lược chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở trong nước.

Cụ thể, với những tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3. Đối với TPHCM, một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai (khu vực giáp TPHCM) phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển, đã tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, việc áp dụng các giải pháp chống dịch đang thực hiện tại khu vực TPHCM với những tỉnh, thành phố khác trên cả nước, hoặc ngược lại, đều không khả thi.

Để quay lại trạng thái bình thường mới, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo hệ thống điều trị có đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, giảm tối đa tỷ lệ tử vong.

Vì vậy, trong thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn vaccine, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất. Cùng với việc ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền để giảm số ca tử vong, các ý kiến nêu rõ cần phân bổ vaccine cho những khu vực cần phải bảo vệ ngay trước mắt (như khu vực TPHCM, Hà Nội, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, chuỗi sản xuất, hoạt động dịch vụ…) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng sớm. Các chuyên gia đặc biệt lưu ý cần đẩy nhanh việc xem xét triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Đồng thời, những loại thuốc điều trị COVID-19 cần phải được cập nhật và đưa vào điều trị sớm, kết hợp với các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh.

Bên cạnh kết quả tích cực trong nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị COVID-19, các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển nhiều loại sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch, kể cả công tác khử khuẩn, bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế tập hợp lực lượng, nhất là trong khâu thử nghiệm, cấp phép sử dụng, lưu hành.

Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, giải pháp giãn cách xã hội là biện pháp làm chậm, chặt đứt chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2. Cùng với việc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm triển khai trong thời gian qua, các chuyên gia đề xuất tiếp tục thực hiện biện pháp này khi chưa có đủ vaccine. Việc thực hiện giãn cách xã hội phải làm nghiêm ngay từ đầu, thực chất, chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế đầy đủ cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch, một số ý kiến cho rằng, các giải pháp công nghệ đã được triển khai, nhưng vẫn còn manh mún, chưa có sự kết nối, phối hợp lẫn nhau.

Thêm vào đó, hoạt động thông tin, truyền thông cần tiếp tục lan tỏa “năng lượng tích cực” từ lực lượng tuyến đầu; những F0 tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19; các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch, chăm lo an sinh, y tế cho người dân ở cơ sở…

Nhiều ý kiến đề cập đến việc huy động y tế tư nhân tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19; cho rằng nên áp dụng tương tự việc chi trả cho y tế tư nhân như cơ sở điều trị công lập; những chi phí khác phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và sự tự nguyện của người dân./.

(baochinhphu.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất