|
Liên
đoàn Lao động các cấp trong tỉnh Long An vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ lực lượng
làm
nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly
|
Tất cả cùng vào cuộc
Ngay từ đầu mùa dịch, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời nắm tình hình tâm trạng, tư tưởng các tầng lớp nhân dân; định hướng, hướng dẫn cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về giãn cách xã hội. Khối vận các cấp luôn là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh – Trương Văn Nọ thông tin, đến nay, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp nhận trên 101 tỉ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá trên 150 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng phòng, chống dịch, các khu cách ly, khu phong tỏa, người dân gặp khó khăn. Đồng hành và chia sẻ với người dân TP.HCM trong đại dịch, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã vận động, tổ chức 3 đợt trao tặng lương thực, thực phẩm, trị giá 250 triệu đồng.
Liên đoàn Lao động các cấp vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 trên 30 tỉ đồng; cùng với Đoàn công tác của Tỉnh ủy tổ chức thăm, động viên, hỗ trợ trên 2,4 tỉ đồng cho 98 đơn vị tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; trao 5.300 “Phần quà chia sẻ, động viên” cho lực lượng y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, trị giá 5,3 tỉ đồng; hỗ trợ 15.000 phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 3,7 tỉ đồng.
Bà Trần Thị Cẩm (SN 1954, ngụ ấp Voi Đình, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), bộc bạch: “Tôi lớn tuổi, sức yếu, không làm gì ra tiền. Con trai với cháu ngoại làm thuê nên thu nhập cũng bấp bênh. Mùa dịch này không có việc làm nên không có thu nhập. Số tiền được Nhà nước hỗ trợ tôi mua gạo, một số đồ dùng cần thiết. Là hộ nghèo, tôi còn được địa phương cho gạo, các nhu yếu phẩm nên sinh hoạt hàng ngày cũng tạm ổn. Mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống người dân trở lại bình thường”.
Chung sức phòng, chống dịch
Là một trong những lực lượng năng động, tham gia tích cực trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai, thực hiện nhiều mô hình, ý nghĩa như Shipper Thanh niên, Đi chợ giúp dân, Bách hóa 0 đồng, ATM gạo nghĩa tình, hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tổ chức 7 Hành trình “San sẻ yêu thương chung tay vượt qua đại dịch” với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng; tặng túi quà an sinh, túi thuốc an sinh; tặng nhu yếu phẩm và vật tư y tế cho tuyến đầu làm nhiệm vụ,...
Cùng với các cấp ủy, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp các ngành tìm nguồn thực phẩm giá rẻ, giới thiệu cho các bếp ăn phục vụ chốt phòng, chống dịch, khu vực phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến; tổ chức tốt các mô hình Đi chợ giúp dân, Chuyến xe nhân ái, Mua sữa, tã giúp mẹ và bé, Mua rau từ vườn...; kết nối, tiếp nhận và vận động các nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ còn tham gia trực chốt, truy vết, nấu ăn, giúp đỡ người dân trong các khu cách ly, khu vực phong tỏa.
Không đứng ngoài cuộc chiến, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh vừa vận động vừa tham gia đóng góp Quỹ Phòng, chống dịch, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 và tặng quà cho những hộ dân gặp khó khăn. Nhiều hội viên cựu chiến binh tuổi đã cao nhưng vẫn tình nguyện tham gia, nêu gương sáng trong các hoạt động phòng, chống dịch. Riêng Hội Nông dân tỉnh thì tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân trong tỉnh; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp hàng tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam tỉnh – Trương Văn Nọ, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân vận bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,... Từ đó kịp thời chia sẻ, phối hợp hỗ trợ, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội, tuyệt đối không để một người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc trong mùa dịch.
Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Ban Dân vận các cấp phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động người dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” giúp nhau trong lúc khó khăn. Các tổ Covid cộng đồng tiếp tục duy trì hoạt động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, vừa nắm tình hình cơ sở, vừa tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Thực tiễn đã minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, trong đó công tác dân vận đã phát huy vai trò, góp phần đẩy lùi dịch bệnh./.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm“Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hàng năm là“Ngày Dân vận của cả nước”để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa sâu, rộng, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới theo hướng gần dân, sát cơ sở, đóng vai trò quan trọng góp phần củng cố, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, công tác dân vận càng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, đẩy mạnh, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch.
|
(baolongan.vn)