Thứ Tư, 15/1/2025
Chống dịch COVID-19: Thành công nhờ an dân

Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại các tỉnh, thành phố nước ta với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, khu dân cư,... Chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết - bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong khi đó chúng ta chưa bao phủ được vaccine, phải sử dụng các biện pháp hành chính, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng việc sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của nhân dân.

Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch, các khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng doanh nghiệp và người lao động ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng mạnh, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội kéo dài.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã kịp thời ban hành những quyết sách phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao, cho thấy sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở.

Tinh thần đoàn kết, đồng thuận, và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm; đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Tại cấp cơ sở, chúng ta đã tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội về cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững trong đại dịch.

Qua các đợt dịch bùng phát, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn như lương thực, thực phẩm, tiền mặt, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước, cước viễn thông… Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh.

Công tác an sinh xã hội chăm lo cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân, bảo đảm an sinh xã hội để phòng dịch hiệu quả.

Chính phủ luôn khẳng định quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, thích ứng, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt trong các đợt dịch bùng phát mới thấy được ý chí quyết tâm mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp trong lúc khó khăn của đồng bào, đồng chí, thực hiện phương châm bảo đảm cho người dân không ai bi thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.

Song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đã tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ, giúp người dân vượt qua “cơn bão” dịch COVID-19.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị đã vào cuộc huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhiều hoạt động ấm tình người như tiếp tế lương thực, thực phẩm cứu trợ đến từng hộ gia đình, từng lao động có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên và tiếp thêm nguồn lực để chiến thắng dịch bệnh.

Chăm lo an sinh xã hội – thành quả từ những con số

Đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ, chăm lo an sinh xã hội cho người dân theo nghị quyết của Chính phủ, kể từ khi dịch bùng phát cho đến nay, các cấp, các ngành, và các địa phương đã thực hiện hỗ trợ gần 22 nghìn tỷ đồng cho 25 triệu lượt đối tượng; đã cho vay 566 tỷ đồng để trả lương cho hơn 161.000 lượt người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP), đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 430.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 111.000 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.260 tỷ đồng; trong đó tổng số tiền đã chi trả là 1.000 tỷ đồng cho hơn 425.000 người lao động (theo Nghị quyết 116/NQ-CP).

Chính phủ đã quyết định xuất cấp tổng cộng hơn 137.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 2,5 triệu hộ với trên 9,3 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện (khoảng 4.500 tỷ đồng), tiền nước, dịch vụ viễn thông, internet (khoảng 10.000 tỷ đồng) trong thời gian qua.

Những người đang điều trị COVID-19, những người phải cách ly y tế tập trung cũng đã được hỗ trợ theo quy định với tổng số tiền trên hàng chục nghìn tỷ đồng.

Giải pháp tối ưu và quan trọng được ưu tiên triển khai là tăng cường diện bao phủ vaccine, thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội cho người lao động bị nghỉ việc, mất việc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do….

Theo phương châm đó, Chính phủ đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Việt Nam đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm hàng trăm triệu liều vaccine với quy mô lớn nhất từ trước đến nay; có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Đến nay đã tiêm hơn 152 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Thực tế cho thấy chiến lược vaccine của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt hơn 95,6%, tiêm mũi 2 đạt hơn 74,2%, và đang triển khai tiêm phòng cho trẻ em. Thủ tướng có chỉ đạo cơ bản phải tiêm 100% mũi 2 cho  người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người trên 50 tuổi, người có bệnh nền.

Dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân dần dần được ổn định.

Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời, và quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ thì công tác bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh gia tăng và có thể bùng phát trở lại khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn khả năng xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Để các giải pháp và chính sách an sinh xã hội kịp thời đến người dân, đúng đối tượng hỗ trợ, cần tập trung, làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số và xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực, trình độ quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng, thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, ngăn chặn việc trục lợi chính sách.

Bối cảnh dịch bệnh thời gian vừa qua đã khẳng định điều này là hết sức quan trọng, khi chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người trong thời gian ngắn, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bảo đảm công việc nhanh chóng, chính xác.

(baochinhphu.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất