Thứ Ba, 8/10/2024
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ở Thành phố Hồ Chí Minh

 


 TP. Hồ Chí Minh trên đường phát triển


Từ sự ra đời của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128), đời sống của người dân trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường mới. Dịch COVID-19 được phân loại theo bốn cấp độ tương ứng với các màu xanh, màu vàng, màu cam, màu đỏ trên quy mô từ cấp xã, nên mỗi địa phương có thể tự chủ động thực hiện đánh giá cấp độ dịch dựa trên tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vắc xin, khả năng thu dung, điều trị các tuyến. Đến nay cơ bản Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về công bố cấp độ dịch, phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó đem lại nhiều kết quả khả quan. Có thể nói đây là một bước tiến về tư duy trong phòng, chống dịch, hình thành sự thống nhất trên toàn quốc, không còn tình trạng cục bộ ở từng địa phương, giải tỏa các yếu tố từng gây trở ngại trong đời sống nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh chung đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước những thách thức lớn, đó là vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Việc xác định và phát triển các chiến lược y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn, trong tổ chức thực hiện, phường, xã, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”, người dân phải thật sự là “chiến sĩ”, người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Thành phố xác định công tác phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin.

Sau hơn ba tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng đến mục tiêu kép "hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyên bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”, Thành phố đã có những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp. Cụ thể là chiến lược kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới, theo đó chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm đối tượng có triệu chứng nghi ngờ, người có nguy cơ cao, người có yếu tố dịch tễ... Thành phố đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực giám sát của hệ thống y tế dự phòng Thành phố, bao gồm: củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 cả về số lượng và chất lượng; củng cố năng lực lấy mẫu, quy trình bảo quản, vận chuyển và trả kết quả kịp thời; củng cố công tác quản lý dữ liệu xét nghiệm. Chỉ số đánh giá năng lực giám sát của hệ thống y tế công cộng là trên 4 người được lấy mẫu xét nghiệm/1.000 dân/tuần; xây dựng các kịch bản xử lý ổ dịch, tổ chức diễn tập và rút kinh nghiệm tại từng địa phương; Xây dựng quy trình giám sát sự lưu hành, phát hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Một vấn đề quan trọng để bảo đảm thích ứng dịch bệnh tình hình mới là bao phủ vắc xin, vì đây là một trong các tiêu chí để phân loại cấp độ dịch ở từng địa phương. Thành phố bắt đầu triển khai tiêm vắc xin từ ngày 08/3/2021, huy động lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng thiết lập 1.109 đội tiêm (176 đơn vị gồm 58 bệnh viện công, 59 bệnh viện tư, 24 trung tâm y tế. 35 phòng khám đa khoa tư nhân). Cùng các lực lượng địa phương, đoàn thanh niên, sinh viên tình nguyện của các trường đại học, tổ chức 96 điểm tiêm công đồng, hơn 300 điểm tiêm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngày 20/7/2021, Thành phố tiếp tục huy động lực lượng y tế công ty, lực lượng địa phương và sinh viên tình nguyện tổ chức khoảng 1.000 đội tiêm tại cộng đồng và tại các bệnh viện trung bình mỗi ngày tiêm tử 200.000 đến 300.000 mũi tiêm.

Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là giải pháp căn cơ trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế. Nhờ được hỗ trợ kịp thời về vắc xin nên Thành phố đã nâng được tỷ lệ bao phủ vắc xin.

Khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi các hoạt động sản xuất và giao tiếp xã hội gia tăng, khả năng lây nhiễm COVID-19 cũng gia tăng, số ca mặc gia tăng, kéo theo các trường hợp nặng và tử vong. Khi phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nên, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó. Do đó, việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Ủy ban nhân dân Thành phố phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do COVID-19. Giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 07/12/2021 đến ngày 31/12/2021, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022. Đối với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin an toàn. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vắc xin tại nhà. Đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên 03 tháng. Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Đến ngày 12/01/2022, Thành phố đã tiêm được 18.676.201 mũi, bao gồm, mũi 1: 8.074.770, mũi 2: 7.217.023, trong đó có 1.385.715 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi; đối với người trên 18 tuổi cơ bản đã tiêm phủ xông mũi 1 và mũi 2, mũi bổ sung 471.893, mũi nhắc lại 2.912.585. Sau 3 tuần triển khai chiến dịch, số trường hợp bệnh nặng và số ca tử vong đã bắt đầu giảm sâu. Thành phố sẽ tiếp tục chiến dịch trong suốt năm 2022 nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nặng và tử vong, bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19 để phát triển mục tiêu kinh tế và an sinh xã hội.


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trường THCS Hai Bà Trưng, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HCDC


Song song với chiến lược thích nghi an toàn chống dịch là chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế, đó là hai nội dung cốt lõi của Nghị quyết 128. Bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch lỉnh loạt, việc mở cửa để tổ chức sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm nỗi lo lắng và sức ép tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp trở lại hoạt động có hiệu quả, giúp kinh tế dân phục hồi. Tất nhiên, trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp không thể hoàn toàn chủ động, nhưng Nghị quyết 128 được ví như đã “mở ra cánh cửa”, cho phép doanh nghiệp trong mọi tình huống, diễn biến của dịch vẫn có thể sản xuất, chỉ cần đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Có thể thấy hơn ba tháng qua, việc lưu thông hàng hóa cơ bản thông suốt, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất trở lại, đây được xem là cơ hội tăng tốc để đạt hiệu quả tối đa trong năm mới 2022 với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Thành phố đẩy mạnh xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện chỉ số PCI. Bên cạnh đó, Thành phố hướng tới tăng cường tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp trên các kênh thông tin đảm bảo kết quả thực chất; phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí, qua đó sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố. Thành phố tập trung xây dựng và ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DCCI) của Thành phố nhằm giúp cho các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện liên tục đổi mới công tác lập kế hoạch, giám sát triển khai, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, chủ động tiếp cận và hỗ trợ giải quyết các tồn tại và thách thức về thể chế, khung pháp lý, môi trường khởi nghiệp, kinh doanh cũng như những khó khăn vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố để ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”. Cụ thể là nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, phát huy hiệu quả hoạt động trung tâm kiểm soát dịch bệnh, tổ hỗ trợ COVID-19, tổ COVID cộng đồng bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh.

Đối với nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, Thành phố sẽ khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh: tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yêu thế; hỗ trợ kết nối cung, cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, nhà ở. Riêng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Thành phố tập trung hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng thời, Thành phố tập trung phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững. Cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước. Cùng với chăm sóc sức khỏe nhân dân là phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó là xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phát huy đặc trưng của con người Thành phố.

Một trong những giải pháp quan trọng là phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2011 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung đổi mới quản lý Thành phố và khắc phục các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, bên cạnh việc tổ chức tập huấn quy mô cho lực lượng chống dịch ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, lãnh đạo Thành phố thường xuyên tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến, trực tiếp để đánh giá, biểu dương, phê bình, chấn chỉnh. Việc làm này là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo một Thành phố vì dân, hàng ngày, hàng giờ sát cánh cùng người dân, kiểm soát tốt dịch bệnh. Các kết quả bước đầu đạt được từ khi áp dụng Nghị quyết 128 trong thời gian qua cho thấy Đảng, Nhà nước luôn lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu trong hoạch định chính sách. Chính phủ luôn có giải pháp phù hợp từng thời điểm. hoàn cảnh cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Nghị quyết 128 xác định mục tiêu sống còn là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh nặng, đặc biệt là số người chết do COVID-19, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của toàn dân. Với hàng loạt giải pháp cụ thể được hướng dẫn kỹ càng cho các địa phương, có thể thấy, Thành phố và các cấp, các ngành, địa phương luôn ưu tiên hàng đầu công tác kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan bùng phát trong cộng đồng. Bám sát diễn biến thực tế, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện sao cho phù hợp với tình hình là cách phòng, chống dịch sáng suốt, thông minh, nhờ đó mọi khó khăn đều được giải quyết kịp thời, nhanh chóng điều chỉnh, xử lý hiệu quả vấn đề bất cập nảy sinh trong bối cảnh mới. Dù trước mắt dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan và các địa phương, của các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là vai trò của toàn dân, cùng với các kinh nghiệm phòng, chống dịch đã tích lũy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực, cuộc sống mọi mặt của người dân Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được ổn định và phát triển...

Dương Anh Đức

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Gửi cho bạn bè

Các tin khác