Độc đáo trang phục truyền thống của người La Hủ

Độc đáo nữ phục cổ truyền

Phụ nữ La Hủ có thói quen mặc hai áo: áo trong dài, cài khuy bên nách phải, áo ngoài ngắn không có ống tay, cài khuy giữa ngực. Ngày thường họ chỉ mặc áo dài.

Ngày lễ, tết họ mặc thêm áo ngắn khoác ngoài. Chiếc áo dài ngoài việc ôm sát làm nổi bật lên đường cong của cơ thể mà còn đẹp ở cách phối màu sắc, cách trang trí các hoa văn và sự kỳ công của phụ nữ La Hủ.

 
 Phụ nữ La Hủ rạng ngời trong trang phục truyền thống

Điểm đặc biệt và dễ nhận thấy nhất trong trang phục áo dài của người phụ nữ La Hủ là áo dài có tà đen, màu đỏ thường là màu chủ đạo và là điểm nhấn của bộ trang phục. Nếu phụ nữ lớn tuổi thường chọn loại áo có cánh tay với màu chủ đạo là viền xanh đen xen kẽ thì con gái La Hủ thường mặc loại áo cánh tay có nhiều sắc đỏ thể hiện sức sống tươi trẻ và niềm tin yêu cuộc sống.

Tay áo dài của phụ nữ La Hủ ống hẹp, họ tận dụng vải cũ làm lớp lót bên trong, phía ngoài được may ngược, tuỳ vào sở thích cá nhân của mỗi người mà khâu những viền vải hoa các loại màu xanh, trắng, đen, đỏ. Để làm đẹp cho chiếc áo, ở cổ áo, nẹp ngực, ống tay có thêu hoặc đáp vải các màu, có đính thêm xu bạc, xu nhôm và các bông chỉ đỏ.

Người La Hủ khâu ngực áo rất cẩn thận, đây là công đoạn tách rời những đường viền xếp chồng lên nhau của các loại vải. Họ khâu chìm trước ngực hình cánh sen lệch và đường viền quanh cổ có mép dựng lên khoảng 1 cm, điểm nhấn là đường viền vòng cung sau vai.

Để may một chiếc áo dài, người La Hủ mất thời gian một tháng. Trước khi cắt may, người ta tạo đường chỉ ở giữa làm gân áo và độ cân bằng sao cho cho tà áo làm thân trước và sau. May tay áo là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất, có thể tận dụng vải cũ làm lớp lót bên trong, phía ngoài được may ngược, tuỳ vào sở thích cá nhân của mỗi người mà khâu những viền vải hoa các loại.

Trang phục nam giới

Nam giới La Hủ mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc, quần áo đều màu chàm hoặc màu đen. Nam giới La Hủ ngày thường may kiểu xẻ nách và xẻ ngực. Áo 5 thân, ngoài ra còn có áo cánh 4 thân, xẻ ngực. Nẹp áo ngực cài vào nhau bằng nút vải. Áo may hơi hẹp ngang, tôn vẻ khỏe khoắn của nam giới La Hủ.


 Trang phục truyền thống của người La Hủ 

Quần của nam giới La Hủ may kiểu đũng chân què, cạp lá tọa, khi mặc gập cạp quần lại, dùng dây lưng vải thắt ngoài cho chặt. Dây lưng bằng vải màu chàm hoặc đen, dài hơn gần hai mét, tức là gần một khửu tay theo cách đo truyền thống của người La Hủ có kích thước 9 cm. Nó không chỉ là vật để giữ quần xiết vào vào thân mà còn là tạo dáng khỏe khoắn của nam giới.

Trong ngày lễ, trang phục nam giới La Hủ thường là bộ mới hoặc đã mặc nhưng vẫn giữ được màu sắc của trang phục. Trang phục trong ngày lễ tết không cầu kì, toàn bộ trang phục là màu đen hoặc màu chàm, áo may kiều xẻ nách. Thân phía trong có túi như trang phục trong ngày cưới, thường là chân què cạp lá tọa, ống rộng. Người La Hủ họ có thói quen, mỗi khi giặt sạch quần áo, đều nhúng vào vại nước chàm. Nên tuy đã mặc lâu, nhưng màu vải chàm luôn luôn mới.

Bảo tồn trang phục truyền thống người La hủ

Trang phục là một thành tố quan trọng của văn hóa tộc người. Trang phục của người La Hủ tồn tại và phát triển chủ yếu với nền kinh tế lúa nương. Trang phục truyền thống của họ phản ánh rõ nét việc chinh phục và sử dụng thành thạo một số chủng loại thực vật về làm nguyên liệu, công cụ sản xuất, cũng như thuốc nhuộm… phục vụ cho nhu cầu mặc.

Kỹ thuật sản xuất trang phục của người La Hủ thủ công và gắn với hoạt động của từng gia đình trong xã hội. Nó phản ánh nền kinh tế tự túc. Trong bối cảnh đó, trang phục La Hủ phản ánh rõ nét sự phân công lao động theo giới trong xã hội. Vai trò quan trọng của phụ nữ La Hủ trong việc giải quyết nhu cầu mặc của gia đình, của cộng đồng.


 Trang phục truyền thống La Hủ trước những thách thức bảo tồn

Trang phục La Hủ mang tính “xã hội” cao, vì nó không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất thong thường mà còn biểu hiện tư tưởng xã hội của người La Hủ. Trong các ngày lễ, tết, cưới xin… trang phục không đơn điệu mà mang sắc thái rõ rệt, phản ánh những nhận thức về thẩm mĩ dân gian, tín ngưỡng, đạo đức, ước mơ, khát vọng… của con người.

Trang phục La Hủ còn phản ánh, ghi dấu ấn một trình độ cao về thẩm mĩ dân gian. Nghệ thuật tạo hình trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ là nơi tập trung quan niệm thẩm mĩ, sự hài hòa và là nơi gìn giữ, phản ánh đặc trưng tộc người. Màu sắc và nét hoa văn trên trang phục truyền thống được xử lý tinh tế, hài hòa, phù hợp với quan niệm thẩm mĩ và tâm lý tộc người. Đó là sự hài hòa về phong cách tạo hình trong bộ trang phục truyền thống tinh tế, khéo léo và sử dụng hoa văn vừa phải của người phụ nữ La Hủ.

Trong quá trình di cư và cư trú xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, người La Hủ không những còn bảo tồn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của tộc người mình, mà còn tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố văn hóa của tộc người khác, trong đó có trang phục (như kỹ thuật dệt may, màu sắc, nguyên liệu…)./.

Nguồn: langvietonline.vn