Thứ Năm, 25/4/2024
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở: Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, phát triển
 
 Hội nghị người lao động tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội

Đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, nhằm phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng suất lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… của đoàn viên công đoàn và người lao động.

Đây cũng được coi là công cụ để tổ chức Công đoàn, nhất là CĐCS trong thực hiện trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên và người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời là nhịp cầu kết nối, thúc đẩy và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, (dự thảo Bộ luật Lao động 2012 sửa đổi, bổ sung, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP) và các Công ước Quốc tế Việt Nam đang chuẩn bị ký kết…), ngày 7/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 Bộ luật Lao động về thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (gọi tắt là Nghị định 149) thay thế Nghị định số 60/ 2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 60) .

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc ban hành Nghị định 149 thay thế Nghị định 60 đã tạo sân chơi bình đẳng và là cơ hội để người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện cho các bên trong quan hệ lao động tự tổ chức, nâng cao kỹ năng thương lượng, thỏa thuận các nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, Nghị định 149 không còn quy định chi tiết, cụ thể về các quyền của người lao động (quyền được biết, được làm, được bàn, được kiểm tra, giám sát) như Nghị định 60 mà chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung, nội dung cơ bản.

Tương tự như vậy, các nội dung về đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức Hội nghị người lao động cũng được quy định rất ngắn gọn, lược bỏ toàn bộ các quy định về quy trình, các bước, cách thức, nội dung… đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động tại doanh nghiệp…

Điều này có nghĩa rằng, kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở phụ thuộc vào kết quả thương lượng, thỏa thuận giữa các bên, ví dụ: Thương lượng, thỏa thuận về việc đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất; thảo luận, thống nhất việc tổ chức hội nghị người lao động; đề xuất quy định chi tiết quyền dân chủ của các bên…

Vậy, làm thế nào để các quyền dân chủ cơ sở của người lao động được thực hiện có hiệu quả? Làm thế nào công đoàn bảo vệ được các quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động thông qua việc tham gia hay xây dựng thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc? nhưng đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên?... thực sự đây là vấn đề thách thức đối với tổ chức Công đoàn, nhất là CĐCS.

Nên giữ đối thoại định kỳ 3 tháng/1 lần

Tại hội thảo, từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, đơn vị, công đoàn cấp trên cơ sở… đã chia sẻ, góp ý chi tiết về các nội dung như: Quyền được biết của người lao động; quyền được tham gia, được quyết định và được kiểm tra, giám sát của người lao động; quy định tổ chức đối thoại và hội nghị người lao động. Liên quan đến thời gian đối thoại định kỳ, nhiều ý kiến cho rằng không nên tổ chức 3 tháng/1 lần vì khó triển khai và không có nội dung để đối thoại. Nếu thực hiện theo quy định sẽ dễ bị hình thức.

Thừa nhận việc đối thoại giữa CĐCS với người sử dụng lao động nhiều nơi vẫn còn hình thức, đại diện Công đoànTập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất: Để đối thoại có hiệu quả, CĐCS cần tham khảo nội dung, các bước tổ chức đối thoại thực hiện theo hướng dẫn.

Cụ thể, trong vòng 30 ngày kể từ cuộc đối thoại liền kề kết thúc, CĐCS và người sử dụng lao động nên chủ động gửi nội dung đối thoại cho nhau để chuẩn bị cho kỳ đối thoại kế tiếp. Các bên nhận được yêu cầu đối thoại phải xử lý và thống nhất về địa điểm thời gian, nội dung... nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu đối thoại, đồng thời phân công các thành viên tham gia đối thoại chuẩn bị nội dung, tài liệu liên quan đến cuộc đối thoại...

Từ thực tế hoạt động, ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản đóng tại Khu Công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) cho biết: Tại Công ty chúng tôi, đối thoại được thực hiện hàng tháng. Ban Chấp hành Công đoàn lên lịch với Ban Giám đốc từ ngày 10-15 hàng tháng.

Thành phần đối thoại gồm Chủ tịch Công đoàn và 2 đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn, Ban Giám đốc có 3 người - cùng nhau trao đổi về những kiến nghị, ý kiến hai bên đang vướng mắc. Tất nhiên, trước khi đối thoại, Ban Chấp hành Công đoàn đã lấy ý kiến từ tổ Công đoàn, người lao động nên tạo được sự đồng thuận khá cao.

Theo ông Nhân, các cuộc đối thoại trong năm thường không vấn đề gì, nhưng sẽ căng thẳng hơn vào cuối năm do yêu cầu mong muốn tăng lương, thưởng cho người lao động. Điển hình như năm 2018, CĐCS đã phải tiến hành đối thoại, thương lượng 5 buổi mới ra được mức thưởng như mong muốn từ phía người lao động là thưởng gần 3 tháng lương.

Về Hội nghị người lao động, trước khi Hội nghị diễn ra khoảng 1 tháng, Công đoàn tổ chức lấy ý kiến người lao động, tập hợp gửi Ban Giám đốc. Tại Hội nghị, Ban Giám đốc sẽ giải đáp kiến nghị từ người lao động và trả lời câu hỏi trực tiếp phát sinh tại Hội nghị. Từ thực tế tại cơ sở, ông Nhân khẳng định sự việc tổ chức đối thoại định kỳ nên giữ nguyên theo quy định hiện hành và cần thiết phải ban hành một hướng dẫn chung về quy trình, các bước tiến hành Hội nghị người lao động để CĐCS triển khai thuận tiện.

Khẳng định sự cần thiết phải ban hành hướng dẫn để Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội kiến nghị: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, phần lớn là doanh nghiệp trong khu công nghiệp là doanh nghiệp FDI, 100% doanh nghiệp đều thực hiện tốt quy định về Quy chế dân chủ ở cơ sở, mục đích hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc. Qua hoạt động thực tế, ngoài việc đối thoại định kỳ, hiện nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện đối thoại đột xuất, hàng tháng.

Theo ông Thắng, về thành phần đối thoại, người tham gia đối thoại phải có năng lực, trình độ nhất định; nội dung đối thoại phải tập hợp thành nhóm vấn đề, biết ưu tiên đưa vấn đề gì trước để phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.

“Đối thoại thế nào phải để hai bên cùng thắng. Công đoàn luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, và đồng hành với người lao động chứ không phải sau đối thoại là đối kháng, do vậy, vai trò và năng lực người tham gia đối thoại giữ vai trò rất quan trọng; đồng thời cần thiết có quy định về thời gian làm việc tại Công ty bởi nếu một người mới vào doanh nghiệp làm việc, sẽ không thể nắm hết các quy định của Công ty để đối thoại hay tháo gỡ những vướng mắc, bổ sung, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp với người lao động”, ông Nguyễn Định Thắng nhấn mạnh.

(laodongthudo.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất