Thời gian qua, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã triển khai hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân địa phương. Nhờ đó, tạo không khí dân chủ, đồng thuận và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của chính quyền.
|
Bộ phận một cửa tại xã Phước An (Tuy Phước) giải quyết công việc cho người dân
|
Thực hiện rộng khắp
Đồng chí Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, nhìn nhận: Những năm gần đây, đa số các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương. Tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong nhân dân; củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền trong tình hình mới.
Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu nại của nhân dân. Thường xuyên thực hiện những việc nhân dân được biết, được bàn, được giám sát, kiểm tra; tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, giám sát hoạt động của chính quyền. Các xã, thị trấn thực hiện đa dạng hình thức công khai với phương châm “dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu”. Thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ, tổ chức tiếp công dân 1 lần/tuần (vào thứ Năm hàng tuần) và trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng chí Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: Qua giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân trong xã trực tiếp bàn, quyết định, kiểm tra nhiều nội dung như: huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước; quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “vì người nghèo”; bình xét hộ nghèo; giám sát các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp; giám sát thu, chi ngân sách địa phương và các khoản đóng góp của người dân… Qua đó, hạn chế được các khiếu nại, thắc mắc trong cộng đồng dân cư; khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, cửa quyền.
Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; niêm yết, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; bố trí ghế ngồi đợi, nước uống cho công dân. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp ủy, chính quyền, địa phương coi trọng. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư.
Dựa vào sức dân
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thuận, việc thực hiện QCDC tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở, nhất là huy động nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Theo đó, việc huy động luôn được công khai, minh bạch, dân chủ. Nhân dân tham gia bàn và quyết định mức đóng góp, cách thức thực hiện và giám sát công trình nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đến nay, qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Tuy Phước đã đóng góp gần 16,5 tỷ đồng, hơn 9.450 ngày công và tự nguyện hiến 64.770 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi ở khu dân cư. Hiện nay, huyện Tuy Phước có 10/11 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Tuy Phước được công nhận là huyện nông thôn mới.
Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, đảng ủy, UBND huyện Tuy Phước luôn lấy nhân dân làm đối tượng trung tâm, dựa vào sức dân thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng. Ban thanh tra nhân dân làm tốt vai trò giám sát hoạt động của UBND cùng cấp như: việc thực hiện chính sách pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Bên cạnh đó, khi xây dựng hương ước, quy ước, 100% số thôn trong huyện tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức như họp thôn, phát phiếu đến hộ gia đình, thông báo qua loa phát thanh. Nhờ đó, hương ước, quy ước của các thôn được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế địa phương, phát huy chuẩn mực đạo đức truyền thống và pháp luật hiện hành.
“Đến nay, nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về dân chủ, thực hành dân chủ được nâng cao. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Nguyễn Đình Thuận nhấn mạnh.
(baobinhdinh.com.vn)