Thứ Năm, 26/12/2024
Miền quê đáng sống
Làng quê thôn Mộ Đạo

Người dân làm chủ

Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Đó là phương châm hành động nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong đời sống xã hội. Bí thư Đảng ủy xã Mộ Đạo Nguyễn Đức Chiến cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy xã coi phát huy dân chủ là kim chỉ nam cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong phong trào xây dựng NTM, nhân dân cảm nhận quyền làm chủ không chỉ chủ trương, chính sách của Đảng mà quan trọng trong đời sống thực tiễn, người dân nêu cao vai trò kiểm tra, giám sát những công trình xây dựng phục vụ cuộc sống cộng đồng”.

Từ năm 2015 đến nay, xã Mộ Đạo huy động được hơn 46 tỷ đồng (Trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng) đầu tư xây dựng 11 km đường giao thông nông thôn, 3 km kênh cứng, nhà văn hóa, công trình tâm linh… Để đảm bảo chất lượng công trình cũng như phát huy vai trò giám sát của nhân dân, ngay từ khi triển khai các dự án, Đảng ủy xã ra Nghị quyết thành lập Tổ giám sát cộng đồng từ xã xuống các thôn. Mỗi tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, hay công trình tâm linh…  xã Mộ Đạo đều thành lập một Tổ giám sát cộng đồng riêng. Mỗi Tổ giám sát cộng đồng có 5 đến 6 thành viên. Họ là những người có uy tín, chuyên môn, am hiểu về xây dựng và được nhân dân tin tưởng bầu ra. Vì vậy, khi làm đường bê tông ở các thôn Mộ Đạo, Trúc Ổ, Mai Ổ, Trạc Nhiệt hay trường học, Trạm Y tế xã, các thành viên trong các Tổ đã giám sát tình hình xây dựng theo tiến độ công trình (có nhật ký ghi chép cụ thể hằng ngày), đồng thời nhắc nhở bên thi công thực hiện theo đúng hợp đồng xây dựng.

Dẫn chúng tôi thăm một số công trình còn sực mùi sơn, ông Nguyễn Công Tú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Tổ trưởng Tổ giám sát cộng đồng xã cho biết: “Thời gian qua, khi Tổ giám sát cộng đồng phát hiện đơn vị thi công phần móng của Dự án Trạm Y tế xã không đúng bản thiết kế, chúng tôi đã báo cáo Chủ đầu tư, yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng xây dựng và bàn phương án, biện pháp khắc phục kịp thời”. Mỗi công trình được dựng xây hoàn thiện đều mang dấu ấn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi mỗi mầu sơn, loại gạch, sắt thép… đều được Đảng ủy xã chỉ đạo lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Nhờ đó, gần 20 công trình xây dựng trong phong trào xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tạo niềm tin trong nhân dân.

Với phương châm, “dễ làm trước, khó làm sau”, năm 2016, xã Mộ Đạo về đích NTM, hoàn thành trước 3 năm so với Nghị quyết đề ra. Bộ mặt NTM có những bước phát triển nhanh và bền vững từ nông nghiệp, thủy sản đến công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Tổng sản phẩm xã hội năm 2018 đạt hơn 220 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Kết quả xây dựng NTM không chỉ có đường giao thông, công trình phúc lợi mà điều quan trọng là Mộ Đạo đang hình thành những con người mới, suy nghĩ mới, ứng xử văn hóa mới, tầm nhìn mới và cách thức sản xuất mới.

Luồng gió mới

Đi qua từng ngõ xóm, con đường, thăm những người nông dân rộn ràng trên những cánh đồng ở thôn Mộ Đạo… cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là diện mạo nông thôn nơi đây đang bừng sáng từng ngày. Hình ảnh đáng nhớ nhất là những cái ao làng xanh mát bên nhà văn hóa thôn khang trang, sân vận động rộng lớn cho thanh thiếu niên chơi thể thao mỗi buổi sáng, chiều; bên những con đường bê tông rộng mở (4,5 đến 5 m) nối liền khu dân cư với những cánh đồng thẳng cánh cò bay… Bí thư Chi bộ thôn Mộ Đạo Nguyễn Văn Phiên cứ nhắc đi, nhắc lại: “Hành trình xây dựng NTM, không phải cái gì cũng đập đi xây lại cho mới. Quan điểm của Chi bộ và nhân dân là giữ lại tất cả vẻ đẹp vốn có của làng quê như bờ ao, bến nước, sân đình, cây cổ thụ... Nó như những chiếc lá phổi xanh của làng, để mỗi khi người dân đi xa trở về đều cảm thấy không gian làng quê yên bình, thân thuộc”.

Tại Việt Nam, trong 7 năm (2014 - 2021), Quỹ toàn cầu hóa xây dựng NTM Hàn Quốc hỗ trợ 8 Làng mới. Mộ Đạo là địa phương duy nhất của tỉnh được hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM theo kiểu Saemaul Undong, trong đó người dân là chủ thể, đóng vai trò then chốt: Người dân đề đạt nguyện vọng, người dân thực hiện, người dân giám sát và người dân thụ hưởng. Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc cử cán bộ, chuyên gia về khảo sát nguyện vọng của nhân dân, cùng nhau bàn bạc, thống nhất lộ trình hiện đại hóa làng quê theo hướng tiện ích, phù hợp với tình hình địa phương. Sau 2 năm thực hiện, Quỹ hỗ trợ thôn Mộ Đạo hơn 10 tỷ đồng và nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 1 tỷ đồng để xây dựng: Các công trình tâm linh; nhà văn hóa; kho lạnh bảo quản nông sản; mua sắm một số thiết bị máy nông nghiệp, vệ sinh môi trường; tập huấn kỹ thuật sản xuất khoai tây giống và giống lúa mới theo hướng VietGap… Ông Nguyễn Đức Tạ, gần 80 tuổi phấn khởi: “Mộ Đạo bây giờ khác xưa rất nhiều. Ý thức trách nhiệm công dân được đề cao rõ rệt về: Ý thức bảo vệ môi trường, ý thức phát triển cộng đồng, ý thức phát triển kinh tế hộ gia đình…”. Dấu ấn người dân làm chủ, tỏ rõ ý thức phát triển cộng đồng được thể hiện sâu sắc nhất là dự án xây dựng nhà văn hóa thôn. Ban đầu, dự án chỉ có 500 m2, nhưng khi Chi bộ đưa ra họp dân lấy ý kiến đóng góp, cùng nhau bàn bạc thì có 4 hộ dân tự nguyện chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp của gia đình mình sang khu vực khác để nhường đất mở rộng nhà văn hóa lên hơn 3.000 m2. Đến nay, công trình đã hoàn thành, trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân.

Hiện, thôn Mộ Đạo có 430 hộ, 2.250 nhân khẩu, trong đó có 95% hộ giầu và khá. Diện tích canh tác 104 ha, có 6 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Vốn là địa phương có truyền thống và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu hóa xây dựng NTM Hàn Quốc tạo sự chuyển biến đột phá trong quá trình sản xuất lúa và khoai tây hàng hóa chất lượng cao, từng bước thay đổi nhận thức người dân sản xuất hàng hóa theo xu hướng xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ nông sản. Bà Tạ Thị Thẫm, một người dân địa phương cho biết: “Từ khi được Hàn Quốc hỗ trợ trang thiết bị máy móc, người dân đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất. Nhất là khi được các chuyên gia hướng dẫn, tập huấn quy trình gieo trồng các loại giống lúa, giống khoai chất lượng cao, gợi mở cho chúng tôi nhiều điều bổ ích về tính chủ động, liên kết, hợp tác trong phát triển kinh tế nông hộ”.

Mô hình Làng mới ở Mộ Đạo với cách tư duy, tiếp cận mới, trọng tâm là phát huy quyền làm chủ của người dân, đang tạo ra luồng gió mới cho quá trình hiện đại hóa nông thôn. Những kết quả tích cực giúp thôn Mộ Đạo có những đổi thay, người dân được truyền cảm hứng tinh thần Saemaul Undong, đoàn kết để cùng nhau xây dựng xã hội cộng đồng, dân chủ, văn minh. Đây là bước khởi đầu, để các ngành chức năng, địa phương tìm hiểu, nhân rộng.

Đồng chí Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Quế Võ đánh giá: “Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã Mộ Đạo đã phát huy vai trò, sức sáng tạo của nhân dân, động viên, cổ vũ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. “Lấy dân làm gốc” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy xã Mộ Đạo đã xây dựng khối đoàn kết nội bộ, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát cơ sở vì lợi ích thiết thực của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu trở thành “Miền quê đáng sống”.

(baobacninh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi