Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) tại doanh nghiệp (DN) nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, an ninh trật tự tại địa bàn các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian qua. Tuy vậy, việc thực hiện QCDC tại các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn còn mang tính hình thức khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa chủ động lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
|
Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần phát triển doanh nghiệp ổn định, hài hòa.
|
Để ổn định sản xuất, anh Phạm Quang Thắng, Bí thư Chi bộ Chi nhánh Công ty CP Công nghiệp nhựa Chin Huei (KCN Hòa Khánh) cho rằng, trước hết DN và Công đoàn phải thường đối thoại hằng tuần với công nhân chứ không theo quy định 3 tháng/lần.
Cùng với đó, DN có các kênh nắm bắt thông tin từ tổ trưởng, quản lý, những người trực tiếp theo dõi công nhân tại xưởng để ghi nhận kiến nghị và có biện pháp thay đổi. Khi có những kiến nghị của công nhân mà DN chưa tháo gỡ, Công đoàn cơ sở lên phương án thương lượng, bảo đảm các phúc lợi lâu dài cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Hữu Trai, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công đoàn công ty đã thực hiện QCDC theo các hình thức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/1 lần và đột xuất; tổ chức hội nghị người lao động 1 lần/năm.
Qua đó NSDLĐ và người lao động tại công ty trong những năm qua đã có được tiếng nói chung. Bên cạnh đó, nhờ tổ chức xây dựng và thực hiện tốt QCDC ở công ty nên các phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào luyện tay nghề, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được đông đảo người lao động tham gia hưởng ứng.
Từ đó tạo sự gắn kết tập thể, sự phấn chấn cho người lao động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đây là hai doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện QCDC vì người lao động tại các KCN.
Tuy vậy, ông Phạm Văn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC và CKCN) Đà Nẵng cho biết, qua công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC tại các DN hoạt động trong các KCN cho thấy, hiện vẫn còn số ít DN chưa thực hiện đầy đủ những nội dung như NSDLĐ phải công khai cho người lao động được biết, được tham gia ý kiến, kiểm tra giám sát; nhất là nội dung công khai về kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình sử dụng, tuyển dụng lao động, công khai quy chế trả lương; chưa công khai tài chính của DN về các nội dung liên quan đến người lao động và việc trích lập quỹ phúc lợi.
Một số DN chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc nên nội dung đối thoại chưa gắn với tình hình thực tế tại DN. Thậm chí, một số DN không mặn mà tổ chức đối thoại với người lao động đã gây khó khăn cho Công đoàn tham mưu, đề xuất thực hiện QCDC cơ sở. Theo ông Hòa, thời gian đến Đảng ủy tiếp tục kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở người lao động để tạo chuyển biến tích cực hơn.
Thượng tá Ngô Trường Tân, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, thời gian qua, Công an quận tiếp nhận một số đơn phản ảnh của công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh về tình trạng chủ DN nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, khiến công nhân lo lắng, không ổn định tư tưởng để chú tâm vào làm việc. Theo đó, qua kiểm tra, rà soát theo đơn kiến nghị, Công an quận phát hiện một số DN nợ tiền bảo hiểm xã hội của công nhân kéo dài.
Điển hình là Công ty TNHH Hanvi Vina (KCN Hòa Khánh) đang nợ gần 600 triệu đồng (khoảng 10 tháng) tiền bảo hiểm xã hội của trên 70 công nhân. “Hiện Công an quận đã gửi báo cáo lên cơ quan bảo hiểm xã hội để có hướng xử lý, nhằm tránh tình trạng xảy ra mâu thuẫn giữa NSDLĐ và người lao động”, ông Tân cho hay.
Theo bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn KCNC và CKCN Đà Nẵng, sau 17 năm thành lập, Công đoàn KCNC và CKCN Đà Nẵng phát triển được 139 tổ chức Công đoàn trực thuộc, với hơn 42.000 đoàn viên/45.000 lao động. Công đoàn KCNC và CKCN Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt trong phương pháp tiếp cận người lao động, tập trung nguồn lực thực hiện tốt chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, ở một số DN, cán bộ Công đoàn vẫn chưa chủ động và tích cực trong việc phối hợp DN tổ chức thực hiện QCDC, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm người lao động. “Nếu một DN chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, không quan tâm sâu sát tới quyền lợi của người lao động thì trong quan hệ lao động giữa hai bên sẽ rất dễ xảy ra vướng mắc, bất đồng. Vì vậy, việc thực hiện tốt QCDC sẽ kịp thời tháo gỡ, giải tỏa những khúc mắc phát sinh của người lao động ngay từ tổ sản xuất, từ đó hạn chế tình trạng đình công, ngưng việc tập thể”, bà Hà nói.
(baodanang.vn)