Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, thị trấn đã và đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Phú quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và đi vào nền nếp. Nhờ vận dụng tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước từ cơ sở.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính tại
Bộ phận một cửa huyện Đồng Phú |
Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, thể hiện rõ nhất qua việc tham gia bàn bạc, góp ý kiến trong quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện..., nhất là huy động nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Theo đó, việc huy động luôn được công khai, minh bạch, dân chủ. Nhân dân tham gia bàn và quyết định mức đóng góp, cách thức thực hiện và giám sát công trình nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đến nay, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã huy động 564,216 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 26,149 tỷ đồng; xây dựng 173km đường giao thông (đường trục xã, liên xã 44,6km; đường trục ấp, liên ấp và ngõ hẻm 128km).
Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức đầy đủ hội nghị trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi đưa ra quyết định quan trọng như: Xây dựng nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND; việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở được MTTQ phối hợp chính quyền tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND xã, thị trấn bầu. Nhân dân tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để củng cố hệ thống chính quyền, đưa hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng hiệu quả, hạn chế tình trạng quan liêu, xa dân. Từ đó, góp phần rèn luyện phong cách cán bộ, đảng viên ngày càng tốt hơn theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Huyện Đồng Phú hiện có 11 ban thanh tra nhân dân với 88 thành viên, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập kịp thời khi có công trình. Các thành viên được tập huấn nghiệp vụ, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, hoạt động ngày càng nền nếp. MTTQ các cấp trên địa bàn huyện phối hợp ngành chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu nại của nhân dân. Qua giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân được trực tiếp bàn, quyết định, kiểm tra nhiều nội dung như: huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”; bình xét hộ nghèo; giám sát các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp; giám sát thu, chi ngân sách địa phương và các khoản đóng góp của người dân... Qua đó, hạn chế khiếu nại, thắc mắc trong cộng đồng dân cư; khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, cửa quyền.
UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; niêm yết, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng được các cấp ủy, chính quyền, địa phương coi trọng. Các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ, kịp thời hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư.
Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: Trong quá trình thực hiện dự án đường Phú Riềng Đỏ nối dài đến Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, nhờ làm tốt tuyên truyền đã có 31 gia đình hiến đất, cây trồng, tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, có hộ hiến gần 7.000m2 đất với khoảng 300 cây cao su đang thu hoạch... để công trình được triển khai thực hiện. Ngoài ra, Đảng ủy xã Đồng Tâm đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng tuyến “Đường điện chiếu sáng tự nguyện” dài 10,5km (422 cột đèn) trị giá 609 triệu đồng; Đảng ủy xã Đồng Tiến vận động nhân dân đóng góp lắp 24 camera an ninh trị giá 120 triệu đồng; Đảng ủy thị trấn Tân Phú vận động nhân dân đóng góp 250 triệu đồng lắp 35 camera an ninh...
Bên cạnh đó, khi xây dựng hương ước, quy ước, 100% khu dân cư trong huyện tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức như họp ấp, khu phố, phát phiếu đến gia đình, thông báo trên loa phát thanh. Nhờ đó, hương ước, quy ước của các khu dân cư được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế, phát huy chuẩn mực đạo đức truyền thống và pháp luật hiện hành.
(baobinhphuoc.com.vn)