Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Huyện ủy Tiên Phước tổ chức tọa đàm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
|
Khi người dân làm chủ
Hưởng ứng xây dựng tuyến đường ĐH11 ngang qua địa bàn, người dân thôn Tiên Phú Đông (xã Tiên Mỹ) đã tự nguyện hiến hơn 4.200m2 đất, phá bỏ hàng trăm cây trồng có giá trị hơn 250 triệu đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quả - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tiên Phú Đông, vấn đề vận động nhân dân tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) không phải chuyện đơn giản, nhất là khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, gia đình họ. Để người dân đồng thuận hưởng ứng, phải thực hiện tốt QCDC cơ sở, tất cả mọi công việc cần công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Có như vậy người dân mới tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng tự nguyện hiến đất đai, cây cối, tiền mặt, ngày công lao động chung tay với chính quyền xây dựng NTM.
“Việc thực hiện tốt QCDC đã phát huy sức mạnh tổng lực của nhân dân trong triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, giảm nghèo… Riêng làm tuyến đường ĐH11, chúng tôi đã vận động người dân đóng góp hơn 110 triệu đồng. Trong đó, qua họp bàn người dân thống nhất đóng góp 300 nghìn đồng/hộ, những hộ có điều kiện đóng góp 5 - 7 triệu đồng; hộ có đường đi qua tự nguyện hiến đất, cây hoa màu để giải phóng mặt bằng, làm mặt đường” - đồng chí Quả cho hay.
Không chỉ ở xã Tiên Mỹ, nhiều địa phương trên địa bàn Tiên Phước cũng triển khai thực hiện tốt QCDC cơ sở, dựa vào dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội. Người dân được phát huy quyền làm chủ, tham gia bàn về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Đồng chí Phạm Bá Hùng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ chia sẻ, để thực hiện QCDC cơ sở đạt hiệu quả, hệ thống chính trị nên giữ vai trò định hướng, không can thiệp quá sâu vào công việc dưới thôn, công việc người dân, để người dân tự bàn bạc, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Cán bộ, lãnh đạo phải có tính cầu thị, gần dân, trọng dân, phục vụ dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Tiên Thọ được huyện chọn xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, nhưng phấn đấu về đích vào cuối năm 2019, có được kết quả đó, chính là nhờ vào sự đồng thuận của người dân. Để người dân đồng thuận, chúng tôi đã phát huy tối đa QCDC cơ sở, định hướng cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, không áp đặt, tạo điều kiện cho người dân phát huy trí tuệ, quyền làm chủ, cùng với Đảng, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - đồng chí Hùng nói.
Tạo sự đồng thuận
Đồng chí Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, thực hiện QCDC cơ sở, thời gian qua UBND huyện đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Chính quyền chủ động đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân, lắng nghe ý kiến, đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung chỉ đạo từng bước tháo gỡ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ đầu năm đến nay huyện đã tiếp 443 lượt công dân, giải quyết 198/224 đơn thư thuộc thẩm quyền, 26 đơn còn lại đang tiếp tục xác minh giải quyết.
“UBND huyện thường xuyên quán triệt trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền từ huyện đến cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình giải quyết công việc, cán bộ, lãnh đạo phải có thái độ cầu thị, lắng nghe, xử lý công việc hiệu quả, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân. Bởi, có thực hiện tốt QCDC cơ sở mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mới được giữ vững”- đồng chí Hiệu chia sẻ.
Đồng chí Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện tốt QCDC cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện QCDC nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các quy ước, hương ước theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
(baoquangnam.vn)