Chủ Nhật, 24/11/2024
Bắc Kạn: Chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 

Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân được trực tiếp quyết định hoặc
tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định


Thành phố Bắc Kạn là trung tâm tỉnh lỵ, cùng với sự phát triển của kinh tế và diện mạo đô thị có nhiều đổi thay, là nhiều vấn đề vướng mắc cần các cấp chính quyền giải quyết. Nhằm tăng hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, kiến nghị, của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thành phố Bắc Kạn đã tăng cường các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo, phòng, ban với công dân. Theo đó, sau các buổi đối thoại, tiếp công dân các kiến nghị của công dân đã được UBND thành phố kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung giải quyết, hướng dẫn công dân theo quy định, qua đó cơ bản các kiến nghị của công dân đã được giải quyết. Năm 2018, UBND thành phố tổ chức đối thoại, tiếp công dân định kỳ được 16 cuộc với 99 công dân để giải quyết 44 vụ việc theo đề nghị của công dân...

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước tiếp tục mở rộng các hình thức để phát huy vai trò của nhân dân trong mọi lĩnh vực; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của nhân dân. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 25/6/2018 về Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; mở rộng dân chủ bàn bạc để nhân dân tự nguyện đóng góp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của Tỉnh ủy; triển khai công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức… kịp thời giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân và hạn chế tình trạng giải quyết tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân. Từ 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã tổ chức được 442 cuộc tiếp xúc đối thoại với 11.131 lượt người tham gia.

Thông qua tuyên truyền, vận động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những năm qua, đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh đã hiến được trên 130.000m2 đất; đóng góp trên 408.200 ngày công và đóng góp bằng tiền được hàng tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình mỗi xã đạt 10,9 tiêu chí nông thôn mới.

Từ việc thực hiện QCDC ở cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước của thôn, tổ dân phố đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, người dân được trực tiếp quyết định hoặc tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định. Đến nay 100% thôn, bản, tổ dân phố đã có quy ước, hương ước. Việc rà soát, bình xét hộ nghèo được thực hiện công khai, minh bạch; việc bình xét có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân; số liệu và danh sách hộ nghèo, cận nghèo sau bình xét được các địa phương thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại nhà văn hóa thôn, tổ và trụ sở làm việc của xã, phường, thị trấn đảm bảo 100% các hộ dân được biết; 100% cơ quan, đơn vị ban hành các quy chế, quy định về việc thực hiện dân chủ tại đơn vị.

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong lề lối làm việc, cổ vũ cán bộ, công nhân viên chức lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Trong giai đoạn 2016 - 2018, đã có hàng nghìn lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; hằng năm có trên 80% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và tiếp thu ý kiến góp ý tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 213-QĐ/TU, Quyết định số 214-QĐ/TU ngày 01/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thông qua đối thoại, người dân được trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, chỉ đạo, định hướng giải quyết tại hội nghị đối thoại; đồng thời, tuyên truyền, giải thích, chia sẻ với nhân dân những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách tại địa phương, cơ sở.

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp 12.799 lượt công dân, trong đó cấp huyện, cấp xã tiếp 10.751 lượt; Ban tiếp công dân tỉnh tiếp 121 lượt; các cơ quan hành chính tiếp 1.927 lượt. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức được hơn 60 cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân, trong đó cấp tỉnh tổ chức 8 cuộc, cấp huyện tổ chức 16 cuộc và cấp xã tổ chức hơn 40 cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân về các nội dung như: Kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính; về thực hiện chính sách đối với người có công, người nghèo; công tác giáo dục, đào tạo... UBND tỉnh và các ngành liên quan tổ chức đối thoại đột xuất khi có vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân…

Có thể nói, những năm qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết được các cấp ủy Đảng, thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả.../.

(baobackan.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất