Thứ Năm, 18/4/2024
Hà Nam: Thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính

Hướng dẫn người dân tra cứu quy trình giải quyết TTHC tại UBND xã Hợp Lý (Lý Nhân). 



Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở được UBND tỉnh xác định, đó là: Tăng cường thực hiện CCHC, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động rà soát, đẩy mạnh cải cách TTHC bảo đảm “3 giảm”: giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân (giảm 45 – 70% thời gian giải quyết so với quy định tùy thuộc từng ngành, lĩnh vực); nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị chú trọng công tác thanh, kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, kịp thời phát hiện những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở. 

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình thanh, kiểm tra, giám sát chung, thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên quan đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra việc CBCC thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục, đột xuất, không báo trước đối với trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của CBCC…

Hiện tại, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được đầu tư lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát tại phòng tiếp dân, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả. Việc quản lý chung đối với hệ thống camera giám sát phòng tiếp dân của UBND xã, phường, thị trấn được giao cho thanh tra huyện, thành phố; hệ thống camera giám sát bộ phận tiếp nhận, trả kết quả do văn phòng HĐND-UBND huyện, thành phố quản lý. 

Ông Đinh Văn Vũ, Chánh Thanh tra huyện Kim Bảng cho biết: Sử dụng hệ thống camera tại phòng tiếp dân và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của UBND các xã, thị trấn cho phép cơ quan thanh tra theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn việc tiếp công dân của đội ngũ CBCC cơ sở; đồng thời giúp CBCC cơ sở tự giác chấp hành, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả công tác. Những hình ảnh, bản ghi thu được qua hệ thống cũng là chứng cứ để UBND huyện thực hiện chấm điểm công tác CCHC của các xã, thị trấn.

Định kỳ hằng năm, UBND tỉnh tổ chức đánh giá các chỉ số đo lường liên quan đến CCHC như: PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI..., trong đó, chú trọng thực hiện việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Kết quả năm 2019, tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với công tác CCHC đạt trên 95%; tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn tại các đơn vị, địa phương đạt trên 98%. Việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương được tiếp tục duy trì thành nền nếp. Việc đánh giá các nội dung được điểm số hóa theo tiêu chí đánh giá đa chiều, công khai, minh bạch, công bằng, thường xuyên, liên tục. Kết quả xếp loại, đánh giá là căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng trong các cụm, huyện, thành phố, khối thi đua và đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với người đứng đầu đơn vị, địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, cũng như đội ngũ CBCC trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hơn nữa việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với CCHC, từ tháng 7/2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai xây dựng 14 mô hình điểm “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, cùng với đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân đến giải quyết TTHC, các đơn vị luôn chú trọng xây dựng “Nụ cười công sở”, quy định về văn hóa công sở, hình thành thái độ làm việc chuyên nghiệp, dân chủ, gần gũi khi giao tiếp với công dân. Bảng tin “5 biết”, “3 thể hiện”, số điện thoại đường dây nóng, lịch làm việc của CBCC… được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa để người dân dễ dàng liên hệ, theo dõi khi có nhu cầu, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc của CBCC theo hướng gần gũi, thân thiện hơn. 

Đồng chí Lại Thị Ngọc Trâm, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Liêm cho biết: Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hướng tới xây dựng chính quyền thân thiện, định kỳ 2 ngày trong tháng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp xuống địa bàn thôn, tổ phố tham gia các hoạt động của chi bộ, nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị hoặc giải quyết những vụ việc bức xúc của người dân ngay tại cơ sở, không để tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm của CBCC mà còn tạo cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân khi tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị trước những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Nhìn chung, thực hiện QCDC gắn với CCHC ở các đơn vị, địa phương thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, kịp thời giải quyết một số vấn đề bức xúc ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp cho mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân thẳng thắn góp ý với CBCC, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những CBCC vi phạm, góp phần làm trong sạch bộ máy chính quyền và tổ chức đảng, tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC.

(baohanam.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất