Trong những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là Quy chế) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có sự chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là việc phân công các thành viên phụ trách địa bàn, cụ thể hóa Quy chế và công khai cho dân biết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực hoạt động khác.
|
Cử tri ấp Phước Thạnh I (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) thực hiện quyền dân chủ đại diện
thông qua việc tham gia bầu cử Trưởng ấp nhiệm kỳ 2019 - 2022
|
Huy động được sức dân
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế, thời gian qua hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, ngày càng phát huy tốt hơn vai trò dân chủ đại diện. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện Quy chế được triển khai song song với việc kiện toàn, đổi mới, nâng chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế ở các cấp.
Qua đẩy mạnh thực hiện Quy chế đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn, nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân đồng tình tham gia bàn bạc, góp ý, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình giao thông nông thôn, các công trình trường học, nhà văn hóa… tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia đẩy mạnh các phong trào thi đua ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Trong thực hiện Quy chế, nhiều địa phương đã đưa vấn đề ra cho nhân dân thảo luận, lựa chọn, quyết định; người dân được tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Đã có 100% xã, phường, thị trấn triển khai và hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết khiếu nại của công dân và kịp thời tổ chức các cuộc hòa giải mâu thuẫn trong dân. Đặc biệt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã điểm ở hầu hết các huyện như: Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Giá Rai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông báo đến nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào quy hoạch xây dựng hạ tầng nông thôn, quy hoạch khu dân cư và các kế hoạch sản xuất.
Cần tập trung khắc phục hạn chế
Không chỉ các xã, phường, thị trấn, ngay các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh cũng duy trì hiệu quả việc thực hiện Quy chế, thể hiện qua việc tiếp tục rà soát, bổ sung cụ thể quy chế làm việc, quy chế chi tiêu tài chính nội bộ, quy chế về quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, quy định về quản lý tài sản công… Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng mạng thông tin điện tử để quản lý công việc, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công khai tài chính, công khai các thủ tục hành chính, công khai các công trình, dự án, hạng mục đầu tư, đánh giá sự hài lòng của người dân; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại trực tiếp để giải thích, hướng dẫn và vận động tuyên truyền nhân dân khi có đông người thắc mắc, khiếu nại hoặc chưa rõ việc trong thực thi các chính sách, quy định của Nhà nước.
Năm 2019, tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung các thủ tục hành chính về một đầu mối để thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, vừa rút ngắn thời gian vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thực hiện Quy chế vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở một số địa phương, cơ sở chưa đủ; một số xã chưa kịp thời bổ sung, thay thế kiện toàn ban chỉ đạo; có nơi thành lập ban chỉ đạo nhưng còn hình thức; chưa thường xuyên triển khai kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế. Mặt khác, ý thức của người dân vẫn còn là vấn đề cần quan tâm, nhiều người dân chưa nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong thực thi pháp luật, vẫn còn nhiều vụ việc lợi dụng khiếu nại được pháp luật quy định để gây khó khăn, kéo dài, không chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi đã được triển khai, giải thích rõ; chưa quan tâm tham gia góp ý tích cực để xây dựng địa phương... Thiết nghĩ, những hạn chế này cần sớm được khắc phục để việc thực hiện Quy chế đạt kết quả như mong muốn.
(baobaclieu.vn)