Chủ Nhật, 24/11/2024
Phú Thọ: Nâng cao quyền làm chủ của nhân dân
 
Nhờ thực hiện Quy chế dân chủ, cử tri huyện Cẩm Khê thẳng thắn trao đổi ý kiến, kiến nghị
đến lãnh đạo tỉnh và huyện trong các buổi tiếp xúc cử tri


Xác định thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Chi cục Thuế huyện Tân Sơn chú trọng triển khai các nhiệm vụ gắn với quy chế dân chủ, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cán bộ, công chức. Để thực hiện tốt quy chế dân chủ, Ban chi ủy, lãnh đạo Chi cục Thuế luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung, chương trình về công tác dân vận đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; thực hiện và duy trì tốt cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hiện nay, bộ phận “một cửa” của Chi cục niêm yết công khai các thủ tục hành chính, đường dây nóng; cán bộ của Chi cục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tận tình hỗ trợ, hướng dẫn về chế độ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế của Nhà nước. 100% doanh nghiệp đang hoạt động đều thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; các thủ tục cấp mã số thuế, lệ phí trước bạ phương tiện, lệ phí đất... được giải quyết nhanh gọn, đạt hiệu quả cao, tạo được lòng tin sự hài lòng của khách hàng.

Đồng chí Trịnh Quốc Hội- Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tân Sơn cho biết: Chi cục đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ mọi nhiệm vụ quan trọng đều được đưa ra thảo luận, thống nhất trước khi triển khai thực hiện; thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và đảng viên để có biện pháp giáo dục tư tưởng, động viên kịp thời. Đồng thời tạo điều kiện cho mỗi cá nhân góp ý với chi ủy, lãnh đạo đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó tập trung sự thống nhất lãnh đạo trong Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò giám sát của cán bộ, công chức.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của thực hiện QCDC trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tam Nông đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình qua việc phối hợp với tổ chức Công đoàn xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ, các quy định trong hoạt động của cơ quan gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị... Để phát huy tinh thần dân chủ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý và điều hành hoạt động. Công khai việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2019, toàn huyện có trên 200 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tham gia học lý luận chính trị và các lớp quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị  nghiêm túc lắng nghe, tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các quy định về công khai tài chính; xây dựng các quy định về thực hiện dân chủ; quy chế làm việc; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế nâng lương, khen thưởng, kỷ luật. 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đã cơ bản đảm bảo nội dung, chất lượng theo quy định. Cùng với việc triển khai có hiệu quả QCDC trong nội bộ, các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn đã tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. UBND huyện đã xây dựng danh mục và thời hạn giải quyết thủ tục hành chính đã cắt giảm áp dụng tại huyện. Đến nay, 100% xã trong huyện đã thực hiện chế độ “một cửa” và thị trấn Hưng Hóa thí điểm thực hiện chế độ “một cửa liên thông”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong huyện.

Để thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở, Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phân công trách nhiệm thành viên; kiện toàn các tiểu ban chuyên môn; ban hành văn bản chỉ đạo việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị định 149 của Chính phủ về “Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”; hướng dẫn Ban chỉ đạo các cấp xây dựng chương trình, đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ tỉnh và các tiểu ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở, chủ động đưa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở vào chương trình kiểm tra, giám sát. Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ trong hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp chính quyền và cơ quan Nhà nước tiếp tục mở rộng các hình thức để phát huy vai trò của nhân dân trong mọi lĩnh vực; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến dân chủ ở cơ sở, các xã, phường, thị trấn; tích cực tổ chức thực hiện các nội dung của Pháp lệnh 34, đảm bảo thực hiện tốt nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Thông báo công khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, khu vực miền núi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Nhờ thực hiện tốt các nội dung công khai dân chủ để nhân dân biết và bàn bạc đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho nhiều chương trình, dự án quan trọng; giúp các cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm. Việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chương trình xây dựng nông thôn mới; bồi thường giải phóng mặt bằng; việc sắp xếp các khu dân cư; sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã… được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân đã phát huy hiệu quả cao. 

Cùng với đó, nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thông qua hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, UBMTTQ các cấp, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Năm 2019, Ban thanh tra nhân dân đã giám sát trên 360 cuộc, Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát trên 540 cuộc, kiến nghị, xử lý 53 vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết 48 vụ việc; cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã tổ chức 380 cuộc đối thoại trực tiếp và đột xuất với trên 32.000 người tham dự… Qua đó, góp phần hạn chế những sai sót của chính quyền cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV, Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở phải đặt lên hàng đầu. Coi việc thực hiện QCDC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy và các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục xây dựng và thực hiện dân chủ đối với các loại hình cơ sở đảm bảo thực chất, hiệu quả; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Cùng với đó tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

(baophutho.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất