Thứ Năm, 26/12/2024
Nghệ An: Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, quyền làm chủ của nhân dân
 
Nhiều cấp xóm trên địa bản tỉnh niêm yết các khoản đóng góp của nhân dân tại nhà văn hóa xóm 

 

DÂN CHỦ TỪ CƠ SỞ

Vào thứ 5 hàng tuần, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (Anh Sơn) và cán bộ xã dành thời gian tiếp công dân. Thông qua đó, người dân phản ánh kiến nghị, tâm tư nguyện vọng chính đáng đều được giải quyết thỏa đáng ngay từ cơ sở trong phạm vi thẩm quyền của xã. Khi vượt quá thẩm quyền, được lãnh đạo xã tiếp thu và kiến nghị bằng văn bản lên cấp trên. Cùng với việc thực hiện tốt công tác tiếp dân, xã Phúc Sơn đặc biệt quan tâm xây dựng tác phong, thái độ của cán bộ xã trong giao tiếp với nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Văn Tráng cho biết: Là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Anh Sơn, để đưa địa phương phát triển, Đảng bộ, chính quyền xác định phải thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, chính quyền đã cụ thể hóa nhiều nội dung thông báo công khai thông qua nhiều “kênh” thông tin cho nhân dân được biết. Lãnh đạo các địa phương cũng xác định đúng đắn hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình, từ đó tạo những chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nhờ thực hiện tốt QCDC, từ xã còn nhiều khó khăn, năm 2019 Phúc Sơn đã thực hiện và hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 115 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư các công trình phúc lợi xây dựng nông thôn mới đạt 39,5 tỷ đồng, trong đó huy động nhân dân đóng góp 4 tỷ đồng. Đặc biệt, xã đã triển khai được nhiều mô hình kinh tế ban đầu phát huy được hiệu quả như mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trong nhà lưới, mô hình cây ăn quả cam, quýt, khoai tây, mô hình chăn nuôi gà, lợn.

Nổi bật, trong thực hiện QCDC ở xã là vận động đồng bào dân tộc thay đổi tập quán, thói quen canh tác, sản xuất có lạc hậu đã tổ chức triển khai trồng 40ha chè công nghiệp trong đó 15ha đã cho sản phẩm, 100ha trồng rừng và từng bước triển khai các chương trình phục vụ du lịch cộng đồng. Những kết quả đó là do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra với sự đồng thuận cao của nhân dân.

Còn tại huyện Yên Thành, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện luôn nhận thức sâu sắc rằng việc thực hiện QCDC là “chìa khóa vạn năng” mở ra và giải quyết tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội. Vì vậy, khi được tỉnh chọn xây dựng huyện chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần cổ vũ, động viên, tạo niềm tin cho nhân dân, từ đó tự giác góp công, góp sức, trí tuệ trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả, biểu dương những điển hình, điểm sáng thực hiện QCDC  về xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho phong trào.

Cách làm của Yên Thành là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể với các phong trào phần việc cụ thể. Từ đó, năm 2019, Yên Thành đã huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện với tổng kinh phí đã thực hiện gần 12 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng. “Thực hiện QCDC ở cơ sở đã khơi dậy được sức mạnh tổng hợp trong nhân dân để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, phản ánh một chân lý: Ý Đảng - lòng dân, khi có chủ trương đúng, người dân đồng lòng, cán bộ quyết tâm thì sẽ có được kết quả cao. Cũng thông qua đó, năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền được phát huy và nâng cao, thể hiện vai trò “then chốt” trong quá trình lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ sở để xây dựng nông thôn mới”- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - đồng chí Nguyễn Vương Ngọc khẳng định.

KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tham gia thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Với phương châm “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, năm 2019, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập hợp, tổng hợp hơn 6.520 ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc trả lời phản ánh của các ngành, các địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ Mặt trận tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhiều địa phương đã lựa chọn những việc làm thiết thực như: Vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm; tổ chức phong trào chủ nhật xanh; nhận giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất... Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cấp xã với nhân dân tiếp tục được MTTQ các cấp phối hợp tổ chức có hiệu quả. Thông qua đối thoại, ý kiến của người dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải đáp, tháo gỡ. 

“Có thể nói rằng, hoạt động đối thoại với nhân dân là nấc thang cao trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện nề nếp, hiệu quả hơn công tác giám sát và phản biện xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn người dân. Những kết quả đó, đã góp phần làm cho dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện ngày càng thực chất hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng tốt hơn”- Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh - đồng chí Nguyễn Đức Thành cho biết.

Theo đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở tỉnh, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở một số nơi, nhất là cấp xã hoạt động không đều, chất lượng còn hạn chế. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức nhà nước trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm; việc cải cách các thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ, thiếu công khai, dân chủ về sản xuất, kinh doanh, tiền lương và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động…

“Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là yếu tố quan trọng tạo đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đồng thời gắn việc thực hiện QCDC với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ đó, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được nâng lên rõ rệt, củng cố niềm tin vào cấp ủy, chính quyền”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.

(baonghean.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi