Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các xã, phường trên địa bàn thành phố Lai Châu đặc biệt chú trọng thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
|
Lãnh
đạo UBND phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) trao quyết định chức
danh
Bí thư Chi bộ tổ 14 (tháng 10/2019) sau khi sáp nhập 2 tổ 13 và 14
thành tổ 14
|
Ngày 21/3, thành phố Lai Châu công bố sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) vào xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu). Theo đó, điều chỉnh toàn bộ 21,60km2 diện tích tự nhiên, 1.898 người của xã Sùng Phài vào thành phố Lai Châu. Nhập toàn bộ 28,06km2 diện tích tự nhiên, 2.374 người của xã Nậm Loỏng vào xã Sùng Phài (mới) thuộc thành phố Lai Châu. Sau khi sáp nhập xã Sùng Phài có 49,66km2 diện tích, quy mô dân số 4.272 người. Có được sự sáp nhập thuận lợi, thành phố và huyện Tam Đường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền để người dân hiểu đồng thuận thực hiện. Chị Giàng Thị Chà ở bản Sùng Chô (xã Sùng Phài) cho biết: “Trước khi sáp nhập xã Sùng Phài và Nậm Loỏng thành một, chúng tôi được tuyên truyền trong các buổi họp bản, chi bộ. Đồng thời, thành phố, xã còn tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân cũng như giải thích về mục đích của chủ trương sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở, đảm bảo việc quản lý đất đai tốt hơn. Trong quá trình sáp nhập sắp xếp bố trí lại cán bộ đủ năng lực, trình độ, uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc để bộ máy cấp ủy, chính quyền hoạt động hiệu quả. Do đó, được Nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Đó chỉ là một trong hàng nghìn công việc mà thành phố đã làm được nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở và được Nhân dân đồng thuận. Được biết, để triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC từ thành phố đến cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác, chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, giám sát, phát huy quyền làm chủ, đảm bảo thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở được đổi mới theo hướng gần dân, vì Nhân dân phục vụ. Các khoản thu hay huy động của người dân, sử dụng tài chính ngân sách đều được thông báo công khai đến Nhân dân bằng nhiều hình thức thiết thực như công khai qua hệ thống loa truyền thanh không dây, niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, các tổ dân phố, bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thu, chi ngân sách; các dự án, công trình đầu tư xây dựng; kế hoạch vay vốn Nhân dân phát triển kinh tế…
Các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng đều được xã, phường chỉ đạo hướng dẫn bản, tổ dân phố tổ chức các cuộc họp để Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng các công trình phạm vi cấp xã, phường, khu dân cư. Điển hình như các khoản đóng góp lát vỉa hè tại các Tổ dân phố số 9, 10, 11, 12, 19 (phường Tân Phong); sửa chữa nhà văn hóa tổ 22 (phường Đông Phong); xây dựng tuyến kênh mương thủy lợi bản Thành Công đến bản Lò Suối Tủng (xã San Thàng); bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân. Các hình thức hỗ trợ được khảo sát, rà soát, tổ chức hội nghị bình xét, lựa chọn công khai, dân chủ.
Trong năm 2019, thông qua các tiếp xúc cử tri đã có 1.986 cử tri tham dự, trong đó có 512 kiến nghị, kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố. Các ý kiến, kiến nghị chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: đề nghị đầu tư xây dựng, chế độ đền bù giải tỏa, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Đa số các ý kiến, kiến nghị được đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố, xã, phường đối thoại, giải đáp ngay tại hội nghị, cơ bản đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân được quan tâm giải quyết ngay từ cơ sở. Việc hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả và kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong Nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ban Thanh tra Nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường phát huy được vai trò giám sát, tổ chức giám sát 13 cuộc với các nội dung: xây dựng các công trình giao thông nông thôn, lát vỉa hè, sửa chữa nhà văn hóa, xây dựng các kênh mương thủy lợi, cống, rãnh thoát nước.
Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các xã, phường trên địa bàn thành phố tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về việc phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; chủ trương đề bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng; đề án sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính như: sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) về xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu); sáp nhập các tổ dân phố, bản thuộc các phường: Tân Phong, Đông Phong, Quyết Tiến và xã San Thàng. Tổ chức 82 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về việc công nhận thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 với đại diện 6.700 hộ gia đình tham gia. Kết quả có 90% hộ gia đình được hỏi hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Việc thực hiện QCDC ở thành phố Lai Châu chuyển biến tích cực, vai trò của Nhân dân được phát huy, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(baolaichau.vn)