Thứ Bảy, 20/4/2024
Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo Bộ Nội vụ cho biết, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau thời gian triển khai thi hành, Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền dân chủ và phát huy dân chủ trong nhân dân; đảm bảo sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được chủ động và thường xuyên hơn; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày được gắn kết chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cơ sở. Đã phát huy hiệu quả dân chủ trong nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, trở thành một trong những mục tiêu và động lực để phát triển bền vững tại địa phương cơ sở.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với xu hướng đất nước đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, như:

Thứ nhất, chủ trương, đường lối của Đảng có những điểm đổi mới về dân chủ ở cơ sở đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã có những bước phát triển mới về dân chủ. Nội dung Hiến pháp tiếp tục khẳng định thể chế của nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh tư tưởng chủ quyền Nhân dân; bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, trong đó, đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực của phát triển xã hội.

Thứ ba, qua tổng kết thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 cho thấy, một số nội dung quy định tại Pháp lệnh hiện nay không còn phù hợp với hệ thống pháp luật mới được ban hành hoặc đã trở nên lạc hậu so với thực tiễn, như: Tinh thần Hiến pháp năm 2013 đặt lên hàng đầu quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Trong khi, những quy định hiện hành của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 chưa thể hiện được rõ tinh thần này như Hiến pháp năm 2013 quy định.

Điều 26 của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 quy định về lấy phiếu tín nhiệm hiện nay không còn hiệu lực, vì Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết này đã bãi bỏ Điều 26 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.

Nội dung dân bàn, biểu quyết liên quan đến hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố được quy định tại Điều 13 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, hiện nay đã được quy định chi tiết trong Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, có hiệu lực vào ngày 01/7/2018.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa cụ thể nội dung phối hợp của cơ quan nhà nước ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện dân chủ ỏ xã, phường, thị trấn. Quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 chỉ giao cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai và chịu trách nhiệm chính để thực hiện dân chủ ở cơ sở, song vấn đề về chỉ đạo của cấp trên và mối quan hệ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện chưa được quy định; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cũng chưa được thể hiện rõ trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi dân chủ, dẫn đến các quy định của Pháp lệnh còn chưa bảo đảm tính khả thi. nhiều quy định còn chung chung nên khó thực hiện. Việc thiếu các biện pháp bảo đảm dẫn đến việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở còn lúng túng, hình thức.

Thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn chưa được quy định. Do đó, khi có vấn đề thực hiện không nghiêm, không đúng quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở, thì khó có căn cứ để đánh giá, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong sai phạm, vi phạm để xử lý.

Hình thức niêm yết, công khai quy định trong Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 còn đơn giản, nhất là trong điều kiện khoa học - kỹ thuật tiến bộ, cho phép đa dạng hóa hơn các hình thức công khai thông tin. Mặt khác, hình thức công khai cũng không còn phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.

Nội dung tham gia của Nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã, tiêu biểu như: Các vụ khiếu kiện, khiếu nại theo thống kê khoảng 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng,…

Thực trạng thực hiện quy chế dân chủ và vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã còn có nhiều bất cập, thiếu minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là nhận định, đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về cách thức lấy ý kiến văn bản pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. Nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi về văn bản, chính sách từ doanh nghiệp, hiệp hội đối với cơ quan hành chính nhà nước không được phản hồi, giải trình, lập luận lại từ phía cơ quan lấy ý kiến. Cách thức lấy ý kiến tạo cảm giác là cho đủ thủ tục mà không đạt mục tiêu như mong muốn là văn bản pháp luật cần phản ánh, cân nhắc đầy đủ các quan điểm khác nhau trong xã hội. Chất lượng của quyết định hành chính chưa đáp ứng đúng yêu cầu, thực tiễn, nhiều trường hợp chưa bảo đảm tính hợp pháp, hoặc không hợp lý, không khả thi, chưa thật sự bảo đảm tính công bằng dẫn đến bị khiếu nại, khởi kiện.

Trách nhiệm và các biện pháp cụ thể xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11. Quy định pháp luật hiện hành sơ sài về tính chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu về việc tuân thủ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, khi có vi phạm xảy ra, bị phát hiện, tính kịp thời trong xử lý vi phạm về thực hiện dân chủ cơ sở còn lúng túng, bị động, thiếu nghiêm minh và căn cứ để xử lý.

Từ những lý do trên, việc nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đề xuất 05 nhóm chính sách cụ thể: 1. Mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi. 2. Đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã. 3. Trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng. 4. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. 5. Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được đăng tải và lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, người dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ./.

(moha.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất