Thứ Năm, 26/12/2024
Góp ý hoàn thiện việc xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Dân chủ cơ sở là hệ thống các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chức năng, trình tự thủ tục và các nguyên tắc trong thực thi chính sách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương nhằm đảm bảo quyền của người dân nơi cư trú và làm việc được trực tiếp tham gia, thực hiện nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và cộng đồng xã hội.

Qua nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện dân chủ và pháp luật về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn hiện nay, tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình cho rằng, việc xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết, giúp khắc phục các tồn tại hạn chế của hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ; tạo ra quy định thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả việc phát huy dân chủ trong nhân dân, từ đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở nước ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, để Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được hoàn thiện hơn về mặt  hình thức và nội dung, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thẳng thắn nêu ra nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

PGS.TS Bùi Xuân Đức cho rằng, cần hướng đến xây dựng Luật dân chủ ở cơ sở mà trong đó khái niệm “cơ sở” cần được xác định rõ, cụ thể nên được hiểu là cộng đồng dân cư. Đồng thời, trong dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cần bổ sung, làm rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn với tư cách là đại diện, từ đó quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ chính đáng.

Theo GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tên của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nên bỏ chữ “thực hiện”, thay vào đó cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được quy định trong Luật cùng nhiều nội dung khác. Mặt khác, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng cần quy định thêm những chương, điều khoản về quyền của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như người dân có quyền gì và trực tiếp tham gia vào việc gì.

Đồng chí Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật dân chủ ở cơ sở cần được hoàn thiện theo hướng nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thông tin, thảo luận, tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân, từ đó thể hiện được vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân đối với cán bộ, Đảng viên, đại biểu dân cử cũng như các cơ quan đại diện ở địa phương do nhân dân hoặc Hội đồng nhân dân bầu ra.

Đồng thời, Luật cũng cần thể chế hóa được nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát” vào trong thực tế đời sống, bởi đây là thước đo cho sự hiệu quả của chính sách này khi được ban hành.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, việc tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở để nâng tầm giá trị pháp lý của hệ thống các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ trong các tầng lớp nhân dân và giai tầng xã hội là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị ban soạn thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó đảm bảo sự đồng bộ trong các quy định liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ, khắc phục những tồn tại, hạn chế của những quy định hiện nay, đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp quy khác.

(daidoanket.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi