Thứ Năm, 26/12/2024
Điện Biên: Khi dân chủ được phát huy

Các cấp chính quyền đã nghiêm túc thực hiện công khai 11 nội dung để nhân dân biết, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các dự án công trình đầu tư, thứ tự ưu tiên; vấn đề thu - chi ngân sách; đối tượng, mức thu các loại quỹ, các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp khác... Đồng thời gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với các cuộc vận động, phong trào thi đua như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Một trong những kết quả nổi bật của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đồng chí Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Tháng 8/2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó là nhờ sự đồng thuận, chung sức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Xác định xây dựng nông thôn mới là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xã đã công khai các nội dung để người dân được biết, bàn bạc, quyết định và trực tiếp giám sát. Đối với những công trình xây dựng cơ bản, xã thực hiện nghiêm túc việc công khai kế hoạch xây dựng thông qua các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, hệ thống loa truyền thanh của xã; niêm yết chương trình, kế hoạch thực hiện, sơ đồ, bản đồ quy hoạch các hạng mục tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn, bản để nhân dân theo dõi, giám sát. Đối với các khoản thu chi, đóng góp của người dân được công khai, minh bạch đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đồng thời phát huy trách nhiệm chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tham gia một cách tự nguyện. Kết quả là nhiều hộ gia đình đã đóng góp công lao động, tiền của, hiến đất… để xây dựng các công trình nông thôn mới; giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhân dân đã đóng góp tổng giá trị hơn 9,1 tỷ đồng.

Không chỉ trong xây dựng nông thôn mới, quyền làm chủ của nhân dân còn được phát huy trên các lĩnh vực đời sống, xã hội qua hoạt động giám sát cộng đồng. Thông qua Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng, người dân có điều kiện tham gia giám sát trực tiếp việc triển khai thực hiện các công trình, nhất là các công trình do dân đóng góp kinh phí, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, dự án. 5 năm qua, các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn huyện đã thực hiện giám sát hơn 380 cuộc; trong đó Ban thanh tra nhân dân giám sát 250 cuộc và Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát hơn 130 cuộc. Các nội dung giám sát tập trung vào các công trình xây dựng: Đường nội đồng, đường thôn xóm, kinh phí đóng góp thi công nhà sinh hoạt cộng đồng; việc sử dụng các khoản thu, đóng góp của nhân dân; sử dụng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới. Qua hoạt động giám sát đã kiến nghị với chính quyền kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, đảm bảo lợi ích của cộng đồng.

Kết quả tích cực trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Điện Biên thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

(baodienbienphu.info.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi