Chủ Nhật, 24/11/2024
Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Cụm các Tập đoàn kinh tế nhà nước

 Quang cảnh Hội nghị

Tham gia chủ trì hội nghị có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở: Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị có đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTW TMTQ Việt Nam; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh; đại diện các Đảng ủy các tập đoàn kinh tế nhà nước: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng Dầu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tập đoàn Điện lực.

Báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở cụm các Tập đoàn kinh tế nhà nước, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đảng ủy, lãnh đạo các Tập đoàn đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy vai trò của người lao động (NLĐ) tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Tập đoàn và phát triển doanh nghiệp. Hầu hết các Tập đoàn ban hành khá kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm xây dựng các quy chế, quy định, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên, doanh nghiệp trực thuộc cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Các Tập đoàn đã chủ động, tích cực đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nâng cao đời sống của NLĐ; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến lề lối làm việc, tác phong của cán bộ, công nhân, NLĐ. Quan tâm cải thiện môi trường làm việc; đối thoại, giải quyết các kiến nghị, đơn thư phản ánh của NLĐ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ, đặc biệt, chỉ đạo tích cực trong ứng phó với đại dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được cấp ủy, lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng doanh nghiệp, chuyên môn của NLĐ, địa bàn hoạt động, như: thông qua mạng truyền thông nội bộ, bản tin, trang tin điện tử của đoàn thể ngành, hội nghị, hội thi, triển khai văn bản qua hệ thống tổ chức, sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội, đối thoại… Qua đó, nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công nhân, NLĐ được nâng lên, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc chấp hành pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần tích cực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển tập đoàn, doanh nghiệp.


 Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở trình bày Báo cáo tại Hội nghị
 

Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các Tập đoàn, các đơn vị doanh nghiệp trực thuộc được quan tâm, củng cố, kiện toàn và hoạt động từng bước đi vào nề nếp. Đã chủ động xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ các thành viên, tham ưu cho cấp ủy ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo…

Mối quan hệ giữa Tập đoàn, doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương ngày càng được củng cố, gắn bó trên cơ sở phát huy chức năng, nhiệm vụ của ngành và vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các hoạt động xã hội. Thông qua đơn vị trực thuộc, chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng ủy, lãnh đạo các Tập đoàn luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện chính sách chung của Nhà nước, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm xã hội, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, NLĐ chia sẻ cùng cộng đồng, góp phần đáng kể vào cải thiện đời sống kinh tế xã hội ở các địa phương, được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng được công khai, minh bạch hơn; đảm bảo cho NLĐ được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Tập đoàn, của doanh nghiệp, nhất là những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Công tác phối hợp giữa lãnh đạo Tập đoàn với Đảng ủy và giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong Tập đoàn về việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng chặt chẽ hơn. Lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên (có nơi có Hội Cựu chiến binh) hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm hướng dẫn, triển khai, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, tham gia tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại; đại diện, bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; nắm bắt, phản ánh, đề xuất nguyện vọng, vấn đề bức xúc của đoàn viên, hội viên, NLĐ với cấp ủy, lãnh đạo Tập đoàn, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, hạn chế đơn thư vượt cấp; tổ chức các phong trào thi đua trong sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Công đoàn các Tập đoàn đã phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn công đoàn các doanh nghiệp trực thuộc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, xây dựng quy chế nội bộ, thỏa ước lao động tập thể, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi của NLĐ, góp phần bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật.

Hầu hết các Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, nay là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Hoạt động của doanh nghiệp ngày càng được công khai, minh bạch hơn; đảm bảo cho NLĐ được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tập đoàn, của doanh nghiệp, nhất là những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, bằng các hình thức phù hợp với điều kiện hoạt động của từng tập đoàn, doanh nghiệp, trong đó nội dung công khai về tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nội quy, quy chế được thực hiện tốt hơn…

Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại các tập đoàn, doanh nghiệp đã phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của NLĐ, giúp cho người sử dụng lao động và NLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện QCDC tại doanh nghiệp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ đảm bảo lợi ích của khách hàng, người tiêu dùng; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, đình công, lãn công; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp; góp phần tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác quản trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, doanh nghiệp.


 Đại biểu các Tập đoàn kinh tế nhà nước phát biểu thảo luận 

Tại Hội nghị, các đại biểu, đại diện cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào quy trình thực hiện QCDC ở cơ sở, những hạn chế thiếu sót, giải pháp thực hiện QCDC ở cơ sở…. Theo đó, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện QCDC ở một số tập đoàn, doanh nghiệp chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, NLĐ, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần, đơn vị ở địa bàn khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, xây dựng và nhân điển hình thực hiện QCDC ở cơ sở ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thường xuyên, kịp thời.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với doanh nghiệp cổ phần, đặc biệt là doanh nghiệp cổ phần Nhà nước không nắm quyền chi phối chưa được chú trọng, còn hình thức, lúng túng trong tổ chức thực hiện; hoạt động của Ban thanh tra nhân dân còn hạn chế…

Trong thảo luận các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp về thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới. Đó là, các Tập đoàn cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, nhất là người đứng đầu các Tập đoàn, các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, NLĐ về dân chủ và thực hiện dân chủ; dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, pháp luật về lao động gắn với công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập đoàn, doanh nghiệp…


 Đồng chí  Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thực hiện QCDC của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Thời gian qua, thực hiện QCDC ở cơ sở cụm các tập đoàn kinh tế nhà nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc kiểm soát nguồn lực và tính minh bạch ngày càng cao đã thúc đẩy sự phát triển của các Tập đoàn.

Các quốc gia trên thế giới đều có những tập đoàn kinh tế chủ lực, có vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề căn cơ của xã hội. Do đó việc xây dựng những tập đoàn kinh tế mạnh khu vực nhà nước và ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế mạnh, vững chắc. Những tập đoàn kinh tế nhà nước trước hết phải làm ăn hiệu quả để khẳng định được vai trò “nắm đấm thép”. Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu, sự nỗ lực vươn lên, và muốn trụ vững, đòi hỏi các tập đoàn phải luôn thay đổi mô hình quản trị tiên tiến, phải có tầm nhìn chiến lược, có những bước đi vững chắc… để xứng đáng là một tập đoàn vững mạnh của một quốc gia.

Đảng đã xác định QCDC là một trong những giải pháp để góp phần xây dựng tập đoàn kinh tế ngày càng vững mạnh. Qua kiểm tra 2 tập đoàn kinh tế nhà nước và 7 tập đoàn còn lại tự kiểm tra báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở cho thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện QCDC đã nghiêm túc, trách nhiệm, lắng nghe ý kiến NLĐ, kịp thời giải quyết những bức xúc của NLĐ.

Để nâng cao QCDC, góp phần xây dựng các tập đoàn kinh tế vững mạnh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các Tập đoàn cần tập trung thực hiện những vấn đề như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cả NLĐ về việc thực hiện QCDC. Tiếp tục rà soát QCDC trong tập đoàn, trong doanh nghiệp sao cho QCDC phải được cụ thể hóa, khả thi và có sáng tạo, sát với tình hình thực thế của tập đoàn kinh tế nhà nước.

Bên cạnh đó cần tiếp tục quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giải quyết những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của NLĐ, đối thoại, lắng nghe NLĐ đối với các vấn đề phát sinh, siết chặt điều kiện lao động để không xảy ra tai nạn lao động. Tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn, Thanh niên trong các tập đoàn, doanh nghiệp…/.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất