Thứ Tư, 25/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp: Nhiều tích cực nhưng vẫn còn hạn chế
Một buổi giải đáp thắc mắc, điều kiện làm việc của thợ lò với đại diện lãnh đạo và Công đoàn Công ty Than Mạo Khê - TKV.

Đa số doanh nghiệp chấp hành Quy chế dân chủ cơ sở

Hiện tỉnh Quảng Ninh có trên 19.600 doanh nghiệp (DN), với khoảng hơn 430.000 lao động đang làm việc. Trong đó, DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ chiếm đến 97%. Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), 5 năm qua, có trên 85% DN xây dựng, ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, trên 75% DN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ), đối thoại định kỳ, đột xuất; 85,9% DN, đơn vị có tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh Đỗ Cao Thượng, việc thực hiện QCDCCS ở DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện đã có trên 85% DN xây dựng, ban hành QCDCCS; 75% đơn vị, DN (có trên 10 lao động) tổ chức hội nghị NLĐ đối thoại định kỳ, đột xuất và thực hiện nhiều hình thức dân chủ khác; trên 85,9% DN, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết TƯLĐTT…

“Thông qua việc thực hiện QCDCCS đã xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa hai phía, ổn định sản xuất; hạn chế đơn thư, tranh chấp lao động; cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập của NLĐ, góp phần thúc đẩy DN phát triển” - đồng chí Thượng nhận xét.

Nhiều rào cản cần sửa đổi

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa thực chất quy chế dân chủ ở cơ sở, tại nơi làm việc, mang tính đối phó; việc công khai nội dung liên quan đến cơ sở chưa đầy đủ, khiến NLĐ tiếp cận thông tin khó khăn; một số nơi tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, đơn thư khiếu nại vượt cấp; thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật với NLĐ và bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ; chế tài xử lý vi phạm về quy chế dân chủ còn hạn chế, không đủ sức răn đe…

Nhiều ý kiến của Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS), đại diện cơ quan quản lý tại buổi tọa đàm nêu ra thẳng thắn, hạn chế như: Khi tham gia đối thoại, NLĐ vẫn còn nhút nhát, e dè ngại nêu ý kiến, chưa dám đấu tranh; nhận thức về quy chế dân chủ của một bộ phận cán bộ, NLĐ còn hạn chế; CĐCS, đại diện NLĐ khi tham gia đối thoại còn chưa chủ động, chưa thực hiện tốt vai trò đại diện tập thể, đa phần chỉ quan tâm đề xuất quyền lợi cho NLĐ mà chưa đóng góp giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho DN; nhiều hội nghị NLĐ mang tính hình thức, đối thoại hiệu quả không cao…

Theo Chủ tịch Công đoàn tại một DN chế biến thủy sản, nên bầu đại diện NLĐ tham gia đối thoại với chủ DN là cán bộ kỹ thuật (các phòng ban), vì công nhân đôi khi không hiểu chuyên môn ở những buổi đối thoại liên quan đến tổ chức sản xuất, khi bàn về việc nâng cao chất lượng thì NLĐ rất khó giải thích…

“Đối thoại phải từ 2 phía, chứ không chỉ mỗi NLĐ đòi hỏi chế độ, chính sách. Vậy, người sử dụng lao động đòi hỏi tăng năng suất lao động thì anh phải làm gì?”- ông Lê Văn Cầu - Chủ tịch CĐ Công ty CP Chế biết xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh - nêu vấn đề.

Trước gợi mở nêu trên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Ninh Hường mong muốn đại biểu cũng tập trung thảo luận sâu về các nội dung như công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về QCDCCS; thực hiện dân chủ cơ sở trong thương lượng ký kết, thực hiện TƯLĐTT; xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế nội bộ của DN; quy trình, nội dung tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ và đột xuất tại nơi làm việc sao cho thực chất để làm cơ sở kiến nghị tỉnh Quảng Ninh và Chính phủ có sửa đổi, đủ chế tài mạnh xử phạt DN cố tình không xây dựng QCDCCS, không tổ chức hội nghị NLĐ; xử phạt DN nợ lương, bảo hiểm xã hội đối với NLĐ kéo dài, gây bức xúc cho công nhân lao động.

(laodong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi