Chủ Nhật, 24/11/2024
Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 
 Quang cảnh Hội nghị


Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo.

Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K'ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam; các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, các Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương thống nhất chọn năm 2021 là Năm đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Bởi đây là năm sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ được sự phân công của Chính phủ đã bắt đầu thực hiện dự án Luật thực hành dân chủ cơ sở. Theo dự kiến, có thể trình lần đầu tiên ra Quốc hội vào năm 2022.

Đồng chí Trương Thị Mai mong muốn trong năm 2021, cùng với việc đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kết luận 120 của Bộ Chính trị khóa XI, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ gắn với việc triển khai các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị 


Chúc mừng các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục tái cử Ủy viên BCH Trung ương Đảng, các thành viên được tín nhiệm lần đầu bầu làm Ủy viên, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, đồng chí Trương Thị Mai mong các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thành trách nhiệm do Đảng và nhân dân giao.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã trình bày dự thảo Hướng dẫn Một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021 và dự thảo Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Theo đó, Ban Dân vận Trung ương hướng dẫn một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021, đó là: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong việc thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, các văn bản có liên quan gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW gắn với các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, QCDC ở cơ sở trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phù hợp với đặc điểm, yêu cầu ở địa bàn, đơn vị.

Dự kiến, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra trực tiếp tại 20 tỉnh, thành trên cả nước và 4 bộ, ngành. Sau kiểm tra trực tiếp tại một số tỉnh, thành sẽ tổ chức hội nghị khu vực đánh giá, rút kinh nghiệm. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở cơ sở. Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân vận và Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với phát huy trách nhiệm của từng thành viên phù hợp với nhiệm vụ chính trị được phân công. Quan tâm xây dựng mô hình, điển hình thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiêu biểu…

Việc kiểm tra thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021 được xây dựng với mục đích đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW và các văn bản pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới.

Đồng tình với nội dung 2 bản dự thảo Hướng dẫn Một số nhiệm vụ trọng tâm và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở, các đại biểu dự Hội nghị đều cho rằng, việc xây dựng hướng dẫn và kế hoạch kiểm tra là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt Năm đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở 2021. Các đại biểu dự Hội nghị đã đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung hướng dẫn, tổ chức thực hiện hướng dẫn, thời gian kiểm tra, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo…

Thay mặt chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp thu các ý kiến phát biểu và hoan nghênh việc chuẩn bị hai dự thảo Hướng dẫn Một số nhiệm vụ trọng tâm và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở rất cẩn thận. Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, hướng dẫn cần giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát tổng thể lại, làm rõ hơn nội hàm "dân thụ hưởng" hiện nay như chính sách thuế, bảo hiểm, các định hướng đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... theo đúng định hướng XHCN, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và có đánh giá chính xác kết quả việc thực hiện.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị 


Phó Thủ tướng đồng tình và làm rõ một số nội dung dự thảo Hướng dẫn thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021 như: Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cán bộ, đảng viên gây mất dân chủ ở cơ sở, hạn chế quyền làm chủ của nhân dân; song song với tăng cường, xử lý nghiêm theo đúng pháp luật việc lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng để phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bên cạnh sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, cần có sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền, gắn với các cơ chế phù hợp, thuận lợi...

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất