Chúng tôi về xã Hải Triều (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) khi xã đã hoàn thành 11/11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Những con đường bê tông rộng trải dài khắp ngõ xóm; những đường hoa vươn mình khoe sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Nhân dân phấn khởi, đoàn kết đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền hướng đến xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đạt được thành công đó là do cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy được vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng chí Trần Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Hải Triều cho biết: Khi có chủ trương làm bất cứ việc gì, chúng tôi đều đưa ra bàn bạc công khai tại các thôn, khi nhân dân thống nhất mới triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện từ khâu lập kế hoạch, thực hiện, hạch toán kinh phí đến kiểm tra, giám sát đều tổ chức lấy ý kiến và có sự tham gia của nhân dân. Sau khi hoàn thành, chúng tôi công khai cụ thể từng khoản chi với nhân dân một cách rõ ràng, minh bạch. Nhờ đó, trong quá trình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp, ủng hộ trên 25 tỷ đồng.
|
Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tại UBND xã Hải Triều (Tiên Lữ) |
Cũng giống như xã Hải Triều, hiện các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên quan tâm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Những vấn đề như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn… được công khai bằng nhiều hình thức như: Niêm yết tại nhà văn hoá xã, thôn, trụ sở cấp xã; qua hệ thống truyền thông, các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri. Ngoài việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thông tin đến người dân, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh tích cực chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế để tồn đọng đơn thư gây bức xúc trong nhân dân. Trong năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp 1.893 lượt với 2.772 công dân; tiếp nhận 817 đơn, khiếu nại, tố cáo; 1.549 kiến nghị, phản ánh; 100% xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Qua đó, nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, các đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung hệ thống các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ, gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; triển khai thực hiện tốt công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức biết và giám sát góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong các doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị đều chú trọng phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, người lao động, từ đó tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển. Anh Nguyễn Văn Mạnh, công nhân Tổng Công ty may Hưng Yên – Công ty cổ phần cho biết: Ngoài các cuộc họp, hội nghị người lao động, chúng tôi có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với các cấp lãnh đạo doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin nội bộ của công ty. Hầu hết các kiến nghị của chúng tôi gửi tới ban lãnh đạo công ty đều được tiếp nhận, giải quyết thỏa đáng. Lãnh đạo công ty coi trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của công nhân nên chúng tôi phấn khởi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.
Cùng với Tổng Công ty may Hưng Yên – Công ty cổ phần, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện để người lao động tham gia góp ý kiến vào các nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị; thương lượng, thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể; giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, việc thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị, các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
Việc triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã góp phần giúp tỉnh hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong thời gian tới, để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
(baohungyen.vn)