Chủ Nhật, 24/11/2024
Đồng Nai: Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo H.Xuân Lộc đi kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới nâng cao và
nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện


Công khai và lấy ý kiến nhân dân

Ông Lê Văn Giữ, Tổ trưởng tổ nhân dân số 17, ấp 6, xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước đây tổ của ông chỉ có 18 hộ, với 83 nhân khẩu; đường đi trong tổ nhỏ và hẹp, chỉ là các lối đi bộ. Trước thực trạng đó, năm 1999, ông và các cụ cao niên có uy tín trong tổ đã vận động nhân dân hiến đất để mở 1 tuyến đường trong ấp. Kết quả sau khi vận động, 8 hộ có diện tích đất nằm trong kế hoạch mở đường đã đồng ý hiến đất mà không đòi đền bù. Sau khi đường được mở rộng, ông và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương tiếp tục vận động bà con đóng góp kinh phí để kéo điện hạ thế phục vụ sinh hoạt. Có đường và điện, cuộc sống bà con bớt khó khăn...

Không chỉ làm được 1 tuyến đường, năm 2020, ông Giữ cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động bà con bê tông hóa 1 tuyến đường khác trong tổ. Tổng vốn đầu tư cho tuyến đường này hơn 2 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 20%, còn lại Nhà nước hỗ trợ. Để làm được tuyến đường này, ngoài việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ông còn vận động người dân hiến thêm 253m2 đất để mở rộng những đoạn nhỏ hẹp, chưa đủ diện tích theo thiết kế của toàn tuyến đường. Với việc tích cực vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn - một trong những tiêu chí quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, ông Giữ và hệ thống chính trị của địa phương đã góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Tân ngày càng khang trang, khởi sắc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay tổng vốn đầu tư cho nông thôn mới ở Đồng Nai đạt hơn 376 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 11%, còn lại nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp ở Đồng Nai có sự tăng trưởng tốt; trong đó giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 43.714 tỷ đồng, tăng 3,69% so với năm trước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.


Từ những kết quả đạt được, ông Lê Văn Giữ rút ra kinh nghiệm: muốn dân tin và làm theo công tác tuyên truyền, vận động trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các lĩnh vực khác thì mọi chủ trương, chính sách, dự án trước khi triển khai thực hiện phải công khai cho dân biết để dân thảo luận, chọn phương án khả thi nhất rồi biểu quyết thông qua. Làm được việc này sẽ tránh được tình trạng có dự án làm xong không đem lại hiệu quả thiết thực, phải đập bỏ hoặc để hoang phí. Đồng thời, trong quá trình làm, lắng nghe ý kiến nhân dân để chỗ nào không phù hợp, chỉnh sửa ngay. Khi dân đóng góp các khoản kinh phí để xây dựng địa phương thì phải công khai, minh bạch và có sự giám sát của dân.

Xuân Định - một xã trung du của huyện Xuân Lộc, những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Mới đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã có thêm niềm vui khi nơi đây trở thành xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Đảng bộ xã Xuân Định Nguyễn Văn Quá cho biết, xã có 92% dân số là đồng bào giáo dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhân dân trong xã luôn đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xã Xuân Định không chỉ trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới mà còn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện.

Xác định hạ tầng giao thông là động lực để xây dựng nông thôn mới, từ năm 2008 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 14 ngàn ngày công và hiến hơn 1.400m2 đất với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa gần 40 tuyến đường giao thông trên địa bàn xã. Giao thông thuận lợi đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu. Hiện nay, xã xây dựng được 2 mô hình nông nghiệp kiểu mẫu, gồm: sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu trên cây sầu riêng với diện tích 80ha, đã được UBND tỉnh phê duyệt chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu trên cây chôm chôm với diện tích 11,5ha.

Theo Bí thư Đảng bộ xã Xuân Định, để xây dựng thành công nông thôn mới, một trong những yếu tố quan trọng mà cấp ủy, chính quyền xã luôn thực hiện là quy chế dân chủ ở cơ sở. Tất cả chủ trương, chính sách, giải pháp từ xã đến ấp đều được tổ chức thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về các đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình và phát huy vai trò giám sát của ban giám sát cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, biểu dương những tập thể và cá nhân làm tốt; nhắc nhở, phê bình những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhân rộng những điển hình hay, cách làm sáng tạo, tạo động lực cho phong trào thi đua.

Phát huy sức mạnh nhân dân

Ngay từ năm 2007, Tỉnh ủy đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, an ninh, an toàn đảm bảo và có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các cấp ủy, chính quyền về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn là phải giải đáp được 4 vấn đề: trồng cây gì, nuôi con gì; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi như thế nào; bán cho ai, bán ở đâu; lợi nhuận, thu nhập được bao nhiêu? Vì xây dựng nông thôn mới, đích đến vẫn là nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, khi giải quyết hiệu quả được bài toán sản xuất cũng chính là trở lại đúng chức năng của nông thôn với nội dung cốt lõi là hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Từ chủ trương này của Tỉnh ủy, những năm qua H.Cẩm Mỹ đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi đất lúa 3 vụ thành 2 vụ lúa và 1 vụ bắp ở các xã Sông Ray, Xuân Tây, Sông Nhạn, giá trị thu nhập tăng từ 1,5-2 lần. Đồng thời, chuyển đổi đất lúa sang trồng rau các loại tại xã Xuân Đông với 1 vụ bắp, 1 vụ bí đỏ và 1 vụ rau hoặc 1 vụ bí đỏ, 2 vụ rau, cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Huyện đã hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống tưới phun mưa, tưới nước tiết kiệm nhằm giảm công lao động và tăng năng suất trên một số loại cây trồng chính. Đồng thời, thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa ở một số xã đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như giảm chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Thực hiện ủ phân sử dụng chế phẩm sinh học, tận dụng các loại chế phẩm trong nông nghiệp như: vỏ cà phê, thân lá cây bắp, đậu, phân bò, phân dê… và thời gian lao động nhàn rỗi để giảm chi phí đầu tư phân bón cho người dân… Kết quả, mô hình này đã tạo ra nguồn phân hữu cơ chất lượng cho cây trồng với giá thành chỉ bằng một nửa so với các loại phân khác trên thị trường, phân có tác dụng cải tạo đất tốt, tăng năng suất cây trồng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Mỹ, để tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện các mô hình, dự án tại địa phương, huyện đã tích cực tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thông tin về thị trường và định hướng các sản phẩm nông nghiệp; có cơ chế khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện và khả năng của người dân; tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất…

(baodongnai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất