|
Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng
chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban làm trưởng đoàn làm việc với Ban Thường
vụ Huyện ủy Than Uyên về thực hiện Kết luận số 120-KL/ của Bộ Chính trị (khóa
XI), ngày 10/3/2021 |
Các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở sát với nghị quyết đảng bộ các cấp; tăng cường công tác xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; chỉ đạo kiện toàn, phân công nhiệm vụ, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ các cấp sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 3 loại hình (thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, nay là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP). Thực hiện nghiêm túc các nội dung phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được biết; được bàn và quyết định trực tiếp; được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; nội dung được giám sát, kiểm tra.
Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia góp ý kiến đối với văn kiện, nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình "Dân vận khéo", tiêu biểu là mô hình tổ chức triển khai ký cam kết thực hiện "Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông" với 5 việc nên làm và 5 việc không nên làm tại 21 bản, 8 xã có đồng bào Mông tạo sức lan tỏa sâu sắc trong nhân dân (tập trung vào xây dựng đoàn kết, thực hiện văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, sinh con, chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, việc cưới, việc tang, không di cư tự do, không vi phạm tệ nạn xã hội, không theo đạo trái pháp luật...). Mô hình thực hành Quy chế dân chủ trong xây dựng bản Thẳm Phé, xã Mường Kim "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới phát triển du lịch nông thôn; các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế nông nghiệp với 8 sản phẩm nông sản được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện hiệu quả "Năm dân vận chính quyền", “Năm Dân vận khéo”, cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn tổ chức, bộ máy, xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết những vướng mắc của người dân ngay từ cơ sở. Trong 5 năm, huyện tổ chức đối thoại 35 cuộc và thành lập tổ công tác giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân; tiếp dân 258 lượt/337 người. Thực hiện tốt chính sách người có công, an sinh xã hội.
Trong 05 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tổ chức 752 buổi tuyên truyền lồng ghép các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến nhân dân với 48.328 lượt người tham gia. Vận động nhân dân 131/131 thôn bản, khu dân cư xây dựng quy ước đã được phê duyệt, nâng cao ý thức thực hiện quy ước, hương ước, bình xét hộ nghèo đảm bảo theo quy định. Tuyên truyền vận động 100% các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động, công khai công tác tiếp dân, đối thoại với dân. Đã kiện toàn 131 tổ hòa giải ở cơ sở với 790 hòa giải viên; kiện toàn 12 Ban Thanh tra nhân dân - giám sát đầu tư cộng đồng với 132 thành viên; thành lập Ban thanh tra nhân dân 69/69 cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt công tác giám sát các công trình đầu tư trên địa bàn dân cư, công tác hòa giải ở cơ sở.
Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần thực hiện vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Kinh tế phát triển khá toàn diện, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; bản sắc văn hóa các dân tộc dần được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên; quốc phòng, an ninh được đảm bảo, ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo là 10,98%; trung bình giảm 5,28%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 7/11 xã, vượt mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 là 01 xã; bình quân toàn huyện đạt 16,36 tiêu chí/xã.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trong 05 năm qua trên địa bàn huyện Than Uyên còn một số hạn chế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Vai trò chủ động tự giác của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Vai trò trách nhiệm của một số thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong phối hợp hướng dẫn cho cơ sở để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa sâu; chưa phát huy hết khả năng, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ thực tiễn qua 05 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn huyện Than Uyên, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền phải toàn diện, quyết liệt, cụ thể nội dung Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các chủ trương của Đảng, Nhà nước; phải được cụ thể hóa, xây dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh bạch trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và thường hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, bất cập để điều chỉnh, bổ sung và có giải pháp phù hợp.
Thứ ba, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, chú trọng phát huy trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, phát huy dân chủ gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường kỷ cương. Thường xuyên quan tâm công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Thứ năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm dân chủ cũng như lợi dụng dân chủ để trục lợi, gây mất trật tự trong xã hội, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong xã hội./.
Nông Tiến Dũng - Trưởng Phòng QCDC và Tổng hợp, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu