Thứ Năm, 25/4/2024
Thái Nguyên: Khi dân chủ được phát huy ở cơ sở
 
Cấp ủy, chính quyền xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) thường xuyên nắm bắt tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân, nhất là các hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất triển khai dự án.


Chúng tôi đã về xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình để tìm hiểu vấn đề này. Đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông rộng rãi đến tận các khu canh tác. Hệ thống nhà văn hóa được xây mới khang trang, sạch, đẹp. Mô hình kinh tế theo quy mô trang trại, gia trại ngày càng nhiều. Xã Bàn Đạt là một trong 2 xã cuối cùng của huyện Phú Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2020.

Trong xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn từ Trung ương, các dự án, ngân sách địa phương, xã Bàn Đạt luôn chú trọng phát huy dân chủ cơ sở, công khai mọi chủ trương, chính sách và những phần việc cần làm ở mỗi giai đoạn để dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Quan điểm của xã là “làm từ trong ngõ làm ra”, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Qua 5 năm xây dựng NTM, xã đã vận động nhân dân hiến trên 78 nghìn m2 đất với tổng giá trị trên 9,9 tỷ đồng, đóng góp 57 tỷ đồng chiếm trên 36,3% tổng vốn đầu tư xây dựng NTM của xã…

Thực hiện QCDC ở cơ sở trong toàn tỉnh không chỉ là việc phát huy phương châm dân biết, dân bàn, dân làm mà các địa phương còn nêu cao vai trò của người dân trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện các công trình, dự án. Toàn tỉnh hiện có 178 ban thanh tra nhân dân, 393 ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 2.722 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát; kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết 257 vụ việc; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức được 3.512 cuộc giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết 431 vụ việc...

Thông qua hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những tiêu cực, đồng thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.

Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan, doanh nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm. Về cơ bản các chủ doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội nghị người lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đại hội cổ đông thường niên, nhiệm kỳ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới các quy chế, quy định về thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Hằng năm, trên 85% loại hình doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức được hội nghị người lao động và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhờ thực hiện tốt QCDC nên nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có các vụ lãn công, đình công nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

 Mặc dù vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, song nhìn tổng thể thì việc thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả với các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(baothainguyen.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất